Sức sống mới từ nông thôn mới

Theo Bộ NN-PTNT, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 1.284 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chiếm 14% tổng số xã của cả nước. 
Đến nay, ĐBSCL có gần 300 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM; mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới của ĐBSCL hiện cao hơn bình quân chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 10%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Vùng quê đổi thay
Những ngày cuối tháng tư, có dịp về xã NTM An Lục Long của huyện Châu Thành (Long An) mới thấy nơi đây có nhiều thay đổi. Nhất là từ khi cây thanh long trở thành “cây kinh tế” của vùng này, đã giúp cho đời sống của người dân địa phương ngày một sung túc hơn. Những con lộ đất đỏ ngày nào giờ được thay bằng đường nhựa phẳng phiu; những cây cầu tạm bợ ngày xưa giờ cũng được thay bằng cầu bê tông kiên cố. Những ngôi nhà tường khang trang đua nhau mọc lên hai bên đường, xen vào đó là các vườn thanh long trĩu quả…, như khẳng định sức sống mới đang nảy chồi trên quê hương trung dũng kiên cường.
Nói như lời Bí thư xã An Lục Long, ông Hà Minh Tuấn: Có được như hôm nay là nhờ vào sự nỗ lực của toàn xã. Trước khi xây dựng NTM, xã An Lục Long có xuất phát điểm thấp (chỉ đạt 10/19 tiêu chí) nên xã phải thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ: vừa xây dựng xã văn hóa, vừa xây dựng xã NTM. Và bằng những nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị cùng sự đóng góp tích cực của người dân, vùng đất An Lục Long đã đạt được những kết quả như ngày hôm nay. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, thu nhâp bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng/người/năm, hơn 40km đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,84%...
Cũng theo ông Tuấn, nguồn lực trong dân cùng sự đồng tình lớn của người dân chính là một trong những yếu tố quan trọng để An Lục Long về đích trong xây dựng NTM như hôm nay.
NTM ở vùng căn cứ cách mạng 
Chào mừng 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vui mừng đón nhận danh hiệu xã NTM.
“Xưa con lộ đất đi qua ấp Phương Hòa là nỗi ám ảnh của bà con mỗi khi trời mưa. Từ ngày chính quyền và nhân dân cùng góp sức đã hình thành đường nhựa ngon lành. Thấy tụi nhỏ chạy xe đi học cũng yên tâm hơn. Cánh thương lái nông sản và người dân đi lại thoải mái, buôn bán vận chuyển dễ dàng. Có lộ nhựa, người dân cũng ý thức trồng cây xanh nhiều hơn”, ông Phạm Văn Thạch (ngụ ấp Phương Hòa, xã Phương Bình) nói một cách mộc mạc. 
Sức sống mới từ nông thôn mới ảnh 1 Sản phẩm của nhà nông xã NTM Phương Bình. Ảnh: CAO PHONG
Do mới chia tách, nên huyện Phụng hiệp là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Hậu Giang. Cùng theo đó, đời sống người dân xã Phương Bình rất khó khăn. Xã có diện tích tự nhiên gần 3.000ha, với gần 4.000 hộ dân, trên 80% lao động ở lĩnh vực nông nghiệp. Phương Bình là xã vùng sâu, sản xuất mang tính thuần nông, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.
“Ý thức được đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã cử cán bộ hỗ trợ xã, hàng tháng có sơ kết đánh giá mặt được và chưa được để uốn nắn, kiểm tra nhắc nhở đồng thời vận động, hướng dẫn người dân tích cực tham gia xây dựng nhằm đạt các tiêu chí NTM”, ông Nguyễn Văn Lẫy, Bí thư Huyện ủy huyện Phụng Hiệp, cho biết. 
Hiện xã Phương Bình đã xây dựng mới 29,5km, nâng cấp mở rộng 24km lộ nông thôn, bắc mới và sửa chữa 43 cây cầu. Xã cũng xây dựng đê bao chống lũ kết hợp với giao thông, khép kín bảo vệ và chủ động tưới tiêu cho diện tích 2.400ha đất sản xuất. Đê bao chống lũ đã giúp người dân xã Phương Bình sản xuất bền vững, nhiều người đã vươn lên làm giàu. Ví dụ như mô hình kết hợp trồng cam sành - chuối - cá của ông Huỳnh Văn Sơn (ấp Phương Hòa), mô hình bưởi da xanh của ông Lê Văn Dinh (ấp Phương Quới B), mô hình trồng cam xoàn của ông Trần Văn Nhựt (ấp Phương Quới C)... đã giúp các hộ này đạt thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Ở xã Phương Bình hiện nay có khoảng 100 gia đình đạt mức thu nhập này. 
Sức bật ở miền cuối đất
Xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi) là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ khu vực UBND xã Tân Dân chạy theo lộ giao thông nông thôn về hướng Tân Phú - Nam Chánh, chúng tôi thấy bộ mặt nông thôn ở đây có nhiều khởi sắc, nhiều căn nhà tường kiên cố thay thế cho những căn nhà lá - vốn còn nhiều ở vùng nông thôn tỉnh Cà Mau. Trước các sân nhà ở hai bên đường giao thông cũng được chăm chút trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. 
Ghé vào nhà lão nông Năm Dũng (Đoàn Văn Dũng, 67 tuổi, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Dân) hỏi chuyện về sự đổi thay của địa phương, ông chia sẻ: “Tôi sống nơi đây mấy chục năm rồi, cuộc sống của gia đình cũng như của bà con hàng xóm trước đây còn nhiều khó khăn. Không chỉ về kinh tế mà còn về việc đi lại, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, bằng nghị lực vươn lên, sự chí thú làm ăn của mọi người nên việc canh tác, nuôi tôm được cải thiện và “trúng”. Nhờ đó, nhiều bà con ở đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Theo ông Năm Dũng, khi nhà cửa được xây dựng khang trang, gia đình ông và chòm xóm cũng quan tâm đến việc trang trí. Nhiều gia đình làm hàng rào bằng cây xanh và trồng hoa nên cảnh quan sáng sủa, chất lượng môi trường sống vùng nông thôn được nâng lên. 
Tỉnh Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt và nền đất yếu. Tại các vùng chuyên nuôi trồng thủy sản, biên độ triều giữa nước lớn và ròng rất lớn, cộng thêm những đường đi qua các cống xổ vuông tôm, nên đường giao thông thôn nông thôn không chỉ làm tốn nhiều chi phí mà lại còn mau hư. Do đặc điểm này mà nhiều xã khi xây dựng NTM rất khó đạt tiêu chí giao thông, còn nếu đạt thì cũng ở mức… vừa đủ. Thế nhưng, tại xã Tân Dân, hệ thống giao thông đã được bê tông hóa cơ bản, nối liền ấp, liền xóm. Vào thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã là 29 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 4,2%. Sau 3 năm thì đã có nhiều bước tiến: Thu nhập bình quân của người dân vào năm 2017 là 39 triệu đồng, phấn đấu năm 2018 là 42 triệu đồng. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 2,1%.

Tin cùng chuyên mục