Sức sống mới từ những công trình giao thông

Dịp lễ 30-4, 1-5 này, nhiều công trình giao thông trọng điểm được TPHCM đưa vào khai thác, góp phần tạo nên sức bật, kết nối thông suốt, mở ra nhiều hướng lưu thông thuận tiện cho người dân. 

Phấn khởi ngày thông xe

Sáng 26-4, nhiều người dân đã dậy thật sớm để chứng kiến lễ thông xe đường song hành Võ Văn Kiệt, đoạn từ đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur, quận 1. Anh Nguyễn Công Tình xúc động nói: “Trước nay, từ đường Võ Văn Kiệt phải mất gần 20-30 phút đi lòng vòng hàng loạt tuyến đường mới ra được đường Tôn Đức Thắng. Nay đưa vào sử dụng tuyến đường song hành lộ trình chưa đầy 5 phút”. 

Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt hoàn thành và thông xe sau gần 1 năm khởi công. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tuyến đường song hành Võ Văn Kiệt nằm cặp theo bờ kênh Tàu Hũ và phía dưới cầu Calmette. Công trình này khởi công ngày 21-5-2021, dự kiến hoàn thành trong 240 ngày (tức tháng 1-2022). Tuy nhiên, tình hình dịch nên tiến độ kéo dài thêm. Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, dù dự án chỉ là tuyến đường nhỏ dài 670m, 2 làn xe, với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, nhưng giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông, chỉnh trang đô thị bờ kè, góp phần giúp sau này tổ chức thuận lợi tuyến BRT, tuyến buýt sông số 2. Bên cạnh đó là việc giải quyết nút thắt giao thông đường Ký Con và đường Võ Văn Kiệt. Trong tương lai, khu vực này sẽ là con đường kiểu mẫu với giao thông xanh kết hợp với tuyến buýt sông.
Sức sống mới từ những công trình giao thông ảnh 2 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu cắt băng 
thông xe đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Cũng trong ngày 26-4, dự án sửa chữa và nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn chính thức khánh thành. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư, có chiều dài khoảng 5,3km, mở rộng lên 30m với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thanh Nhạn (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) cho biết: “Tuyến đường này trước đây hư hỏng xuống cấp trầm trọng, lầy lội, rất khó đi và thường xuyên xảy ra tai nạn. Đến nay, con đường chính thức thông xe, người dân chúng tôi rất vui mừng. Đường sá sạch đẹp, rộng rãi khiến người dân làm ăn tốt hơn, kinh tế sẽ phát triển hơn”.  


Kỳ vọng những dự án tương lai

Tại lễ thông xe đường Đặng Thúc Vịnh, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh: Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố với mục tiêu cải tạo, nâng cấp góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối giao thông khu vực và kéo giảm tai nạn, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện Hóc Môn và các khu vực lân cận của TPHCM với Bình Dương, Long An. Đồng chí yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thật tốt công tác tổ chức giao thông, duy tu bảo dưỡng; quản lý khai thác tuyến đường hiệu quả. Song song đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khác trong khu vực như dự án đường Thị Trấn - Thới Tam Thôn, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Ảnh Thủ, đường song hành Phan Văn Hớn, nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa..., sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc, kết nối với đường Vành đai 3 và cao tốc TPHCM - Mộc Bài, phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương và nối kết liên vùng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, nhận định năm 2021 là năm có nhiều điểm sáng. Cụ thể, nhiều đề án được TP phê duyệt, làm nền tảng xây dựng các công trình giao thông trong thời gian tới như: Đề án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông TPHCM đến năm 2030; Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân; Đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Ngoài ra, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các địa phương trong khâu giải phóng mặt bằng đã thúc đẩy nhiều dự án về đích như cầu Thủ Thiêm 2, nút giao hầm vượt đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Mỹ Thủy… Cùng đó là hàng loạt công trình sẽ được khởi công như nút giao An Phú, cải tạo kênh Nước Đen, Vành đai 2, 3…

Cũng theo ông Lương Minh Phúc, để giải quyết các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn, các đơn vị đã tạm chia thành 8 nhóm dự án để thực hiện theo thứ tự ưu tiên như nhóm 1 là khép kín đường Vành đai 2, 3 xây dựng cao tốc TPHCM - Mộc Bài; nhóm 2 sẽ triển khai hàng loạt dự án giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; nhóm 3 sẽ triển khai các dự án giải quyết ùn tắc giao thông xung quanh cảng Cát Lái; nhóm 4 sẽ thực hiện hệ thống giao thông cho khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP... “Hy vọng năm 2022, việc áp dụng cơ chế đặc thù trong bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện dự án sẽ góp phần đưa các dự án về đích như kế hoạch”, ông Lương Minh Phúc nói. 

Tin cùng chuyên mục