Sức sống mới trên đường tuần tra biên giới

Sau 15 năm triển khai xây dựng, tuyến đường tuần tra dọc biên giới với Campuchia (thuộc địa bàn Quân khu 7 quản lý) đã hoàn thành, đưa vào khai thác trên 446km. Tuyến đường tuần tra không những phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc phòng mà còn làm đổi thay cuộc sống người dân vùng biên, tạo phên dậu vững chắc bảo vệ đất nước. 

15 năm mở đường 

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia thuộc địa bàn Quân khu 7 quản lý có chiều dài hơn 627km, trải dài từ tỉnh Bình Phước đến tỉnh Long An. Trước đây, cuộc sống của người dân vùng biên giới còn khó khăn do giao thông không thuận tiện. Để phục vụ công tác quốc phòng, đảm bảo an ninh biên giới, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng triển khai đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới.

Công trình không chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng mà còn kết hợp với mạng lưới giao thông địa phương, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, đi lại của người dân vùng biên và nước bạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Nhiệm vụ mở đường tuần tra biên giới được Bộ Quốc phòng giao Bộ Tổng tham mưu và Quân khu 7 làm chủ đầu tư, thi công xây dựng. Điều kiện thi công đường tuần tra biên giới trên địa bàn quân khu gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Khu vực tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh có địa hình băng qua rừng sâu heo hút, cách khu dân cư hàng chục kilômét, còn địa bàn tỉnh Long An lại mở tuyến băng qua đầm lầy, sông nước.

Sức sống mới trên đường tuần tra biên giới ảnh 1 Đường tuần tra biên giới rộng mở, kiên cố tại khu vực xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, người trực tiếp theo sát dự án từ những ngày còn trên bản vẽ, cho biết, trong quá trình thi công, thay đổi thiết kế cho phù hợp là vấn đề khá nan giải. Đơn vị phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của các địa phương và chỉ đạo của cấp trên để đề xuất điều chỉnh quy mô, cấp đường, đáp ứng yêu cầu giao thông trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên những công trình biên giới, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời bình lại tỏa sáng. Cùng với đơn vị của Bộ Quốc phòng, các đơn vị của Quân khu 7 như Công ty Minh Thành, Công ty Tây Nam, Công ty Đông Hải và Lữ đoàn 25, Tiểu đoàn Công binh, Sư đoàn 5 đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao nhất, triển khai xây dựng tuyến đường theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thi công luôn tâm niệm rằng, công trình đưa vào khai thác sớm sẽ phát huy tối đa hiệu quả, năng lực tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

Sau 15 năm mở đường tuần tra biên giới (2007-2022), trên địa bàn Quân khu 7 đã có trên 446km được xây dựng, đưa vào khai thác. Riêng Quân khu 7 đầu tư, thi công đưa vào khai thác 269km đường, với tổng giá trị 2.370 tỷ đồng. Trong đó, tại tỉnh Bình Phước xây dựng 111km đường, tu sửa 22 cầu; tỉnh Tây Ninh xây dựng 125km đường, 7 cầu; tỉnh Long An xây dựng 33km và 5 cầu mới.

Quân khu 7 đang triển khai xây dựng 35km đường, với tổng kinh phí 350 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2025 theo kế hoạch. Với tiến độ này, trong thời gian không xa, toàn bộ hơn 627km đường tuần tra trên tuyến biên giới sẽ được nối kết. 

Vùng biên đổi thay 

Đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn Quân khu 7, từ tỉnh Bình Phước sang Tây Ninh, xuống Long An với hàng trăm kilômét đường nhựa, bê tông và cầu kiên cố thay cho đường nền đất, lối mòn. Đường mới mở ra không chỉ phục vụ an ninh quốc phòng, giảm sự vất vả của người lính mà còn tạo thuận lợi trong việc đi lại của người dân vùng biên, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Đứng trên đường tuần tra biên giới đoạn cầu Kênh T28, ấp Gò Mai Châu, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng (Long An), nhiều người không khỏi bất ngờ trước vườn cây ăn trái của cựu chiến binh Trần Văn Ngoan. Năm 1993, khi đặt chân đến ấp Gò Cây Mai, vùng đất sát biên rất hoang sơ, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Khi đường tuần tra biên giới được mở, suy nghĩ của người cựu chiến binh cũng thay đổi theo. Gia đình ông cải tạo 2ha đất lúa sang trồng bưởi da xanh với hơn 1.000 gốc bưởi. Với sản lượng vườn bưởi trung bình chừng 10 tấn, mỗi năm sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập cho gia đình trên 

300 triệu đồng. Cũng ở xã biên giới Khánh Hưng, nhiều cựu chiến binh chuyển đổi sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Nguyễn Văn Thiệp, ông Nguyễn Văn Nin...

Nông dân trẻ Lê Thành Nguyện, người dân xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ (Long An), kể, nhiều gia đình chuyển đổi sản xuất từ làm lúa sang trồng cây ăn trái để tăng thêm thu nhập.

Ông Lê Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ (Long An), cho biết, huyện có 5 xã biên giới giáp Campuchia gồm Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Tây và Bình Hòa Hưng, vốn đi lại không thuận tiện, cuộc sống người dân gặp khó khăn. Từ ngày đường tuần tra biên giới được mở, việc đi lại thuận lợi, hàng hóa thông thương nên cuộc sống người dân khá lên. Nhiều người chuyển nhà ra gần đường tuần tra biên giới để làm ăn, lập nghiệp.

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, thông tin, đường tuần tra biên giới là công trình mang tính chiến lược, không những đảm bảo an ninh quốc phòng mà còn nâng cao đời sống người dân vùng biên, tạo thế trận quốc phòng vững chắc. Đường mở đến đâu, cuộc sống người dân đổi thay đến đó.

Dọc theo đường tuần tra biên giới từ tỉnh Bình Phước đến tỉnh Long An, nhiều khu dân cư mới, khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được triển khai xây dựng. Cuộc sống người dân vùng biên giới đổi thay rõ nét, kinh tế của nhiều gia đình đã phát triển.

Tin cùng chuyên mục