Sức sống của múa

Liên hoan nghệ thuật múa TPHCM mở rộng lần thứ VI - năm 2020 vừa khép lại sau 2 ngày thi diễn liên tục. Liên hoan có sự tham gia của gần 50 tác phẩm múa dự thi thuộc 19 đơn vị nghệ thuật là các vũ đoàn, nhóm múa các trường đại học, công ty tư nhân và 14 cá nhân.
Tác phẩm múa "Kẻ tạ chỉ"
Tác phẩm múa "Kẻ tạ chỉ"

Năm nay, liên hoan được tổ chức gấp rút, lại vào dịp cuối năm, nên nhiều vũ đoàn lớn tại TPHCM không thể tham gia (do kẹt các chương trình theo kế hoạch có trước). Điều này khiến sàn diễn nghệ thuật thiếu các tác phẩm múa hoành tráng như những kỳ liên hoan trước. Nhưng thay vào đó, đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm múa đôi, múa ba, múa ít người, được đầu tư chăm chút hơn, đem lại nhiều ấn tượng cho khán giả. 

Đáng ghi nhận, nhiều buổi thi thu hút sự theo dõi, quan tâm của đông đảo nghệ sĩ múa, diễn viên, biên đạo múa trẻ và cả khán giả yêu mến loại hình nghệ thuật này. Qua từng tiết mục, các biên đạo, diễn viên múa trẻ đã thể hiện được thực lực, đam mê nghề, cũng như sức sáng tạo tươi mới trong dàn dựng tác phẩm, trình diễn những góc nhìn lạ của người trẻ.

Trong đó, có một số tác phẩm tạo được dấu ấn người xem như: Âm dương, Cằn cỗi, Đời gánh, Sông cạn, Về đất Chăm, Đoạn, Hồn Khơ Mú, Lượm ơi!, Thanh xuân để lại, Trường Sa màu biển đỏ, Lời của nước, Độc, Không lùi bước, Falling Angels... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số tác phẩm chưa thể hiện hết được tiềm năng, sáng tạo trong dàn dựng, do kinh nghiệm của biên đạo múa còn đôi lúc hạn chế.

Biên đạo múa Lê Việt từng tham gia 3 mùa liên hoan múa, nay là một trong số biên đạo trẻ tài năng tại TPHCM, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi liên hoan trở thành sân chơi nghệ thuật ý nghĩa dành cho các biên đạo và diễn viên múa trẻ. Đây là dịp để biên đạo trẻ được thực hành những tác phẩm múa độc lập một cách hoàn chỉnh, thoải mái sáng tạo tác phẩm mới theo mô tuýp đương đại. Tôi nghĩ, qua liên hoan, các đơn vị sẽ có dịp nhìn lại, rút kinh nghiệm để có được một đội ngũ làm nghề chuẩn chất mang tính đương đại”. 

Khép lại một mùa liên hoan, ban tổ chức ghi nhận sức sống của nghệ thuật múa vẫn lâu bền, thông qua sự sáng tạo của đội ngũ làm nghề trẻ tuổi. Mong rằng, Hội Nghệ sĩ múa TPHCM và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, qua liên hoan, có dịp nhìn lại và đánh giá thực trạng lực lượng biên đạo, diễn viên múa hiện nay, từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nghệ thuật múa. Nhiệt huyết vẫn còn, vấn đề là nghệ thuật múa phải thay đổi và vươn tầm ra sao để mang dấu ấn thời đại mới, hội nhập và nghệ sĩ múa chân chính phải sống được với nghề.

Tin cùng chuyên mục