Sức khỏe học sinh là trên hết

Những ngày này, trong bối cảnh cả nước khẩn trương phòng chống dịch nCoV, thông tin được hàng triệu gia đình và phụ huynh quan tâm là có nên kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh hay không? Trước dự báo tình hình dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp trong những ngày tới, nhiều địa phương đang tính đến phương án kéo dài thêm thời gian nghỉ, trong đó TPHCM là địa phương đầu tiên công bố cho học sinh nghỉ đến hết ngày 16-2.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều 5-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong trường hợp thời gian nghỉ học kéo dài, bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức cho học sinh học bù; đồng thời điều chỉnh thời gian kết thúc năm học (có thể muộn hơn mọi năm) và các kỳ thi quốc gia, nhằm vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và chương trình giáo dục cho học sinh.

Nhìn lại khung kế hoạch năm học hiện hành (35 tuần thực học đối với 2 bậc mầm non và tiểu học, 37 tuần thực học đối với các trường THCS, THPT và 32 tuần thực học đối với hệ giáo dục thường xuyên), thời gian dạy học thực tế đã bố trí 2 tuần lễ dự phòng cho các tình huống nghỉ học do thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, theo quy định của ngành giáo dục, hiệu trưởng các trường phổ thông có thể chủ động tổ chức cho học sinh học bù vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc vào thời gian học của buổi hai (buổi còn lại so với thời khóa biểu chính khóa). Do đó, việc học sinh nghỉ học 1-2 tuần sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tổ chức hoạt động trong năm học. 

Dù vậy, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng là khi việc nghỉ học kéo dài, làm sao để học sinh duy trì thói quen lên lớp, phát triển các kỹ năng tự học và đảm bảo lịch sinh hoạt, học tập tại nhà. Đặc biệt, trong hoàn cảnh cha mẹ vẫn đi làm, không phải gia đình nào cũng bố trí được người ở nhà kèm cặp việc học tập của con em. Đáp lại băn khoăn này, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã triển khai các phương án học tập trực tuyến, cho học sinh tự học và ôn tập kiến thức tại nhà. Lãnh đạo các đơn vị trường học đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ bộ môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 phù hợp với khung thời gian dạy học thực tế, tạo điều kiện cho tất cả học sinh học tập như nhau, đảm bảo tính khoa học, công bằng và nhân văn trong giáo dục. Ở góc độ khác, theo nhà giáo Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, việc học tập và bổ sung kiến thức cần thực hiện cả đời. Khối lượng kiến thức hay bài vở trong 1 tuần không phải yêu cầu quá quan trọng so với việc thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, đạo đức và thái độ sống cho học sinh. 

Hiện nay cả hệ thống chính trị đang vào cuộc nhằm ngăn chặn, phòng tránh sự lây lan của dịch nCoV. Đặc biệt, trong 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước đã chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản nhằm ứng phó tình huống xấu nhất. Song, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, cần đề cao vai trò chủ động của lãnh đạo các đơn vị trường học, nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, trong việc tích cực tuyên truyền tạo thói quen rửa tay thường xuyên cho học sinh. Ở những khu vực dân cư có khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động, UBND các quận, huyện cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động làm việc theo ca để có thể chăm sóc con tại nhà, đảm bảo sức khỏe cho học sinh. 

Như vậy, việc thực hiện công tác phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhưng quyền lợi của học sinh vẫn được đặt lên hàng đầu. Phụ huynh không nên lo lắng mà có sự phối hợp tốt với nhà trường trong việc quản lý học sinh trong thời gian nghỉ; thường xuyên cập nhật kiến thức cũng như chủ động tổ chức các biện pháp phòng chống, tự cách ly người có nguy cơ nhiễm bệnh tại nhà theo khuyến cáo của ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục