Sức hấp dẫn của thương mại điện tử

Hội thảo ASEAN 4.0 đã đánh giá ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với 630 triệu người và có đến 260 triệu người thường xuyên truy cập internet. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng với dân số trên 93 triệu người, 55% dân số đã tiếp cận internet, khoảng 30% người tiếp cận thương mại điện tử; trung bình chi cho thương mại điện tử 160 USD/người/năm. 

Trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD. Do vậy, việc quản lý và thu thế nào để tránh thất thu thuế thương mại điện tử là vấn đề được đặt ra…

Sức hấp dẫn của thương mại điện tử ảnh 1 Khách hàng nhận sản phẩm đặt mua qua mạng. Ảnh: THÀNH TRÍ
Cơ hội và thách thức từ 4.0

Hoạt động thương mại trên internet của khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% GDP của khu vực. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội nhưng cũng sẽ có không ít thách thức. Internet gắn với tự động hóa sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, tinh giản lao động…

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, khoảng 50% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đứng trước rủi ro cao khi bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng 2 thập niên tới. Khi những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số thì thương mại điện tử, thanh toán thông minh… buộc giới kinh doanh phải đổi mới về tư duy và cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đổi mới phương thức để quản lý cho phù hợp.

Nằm trong sự thay đổi lớn này, Việt Nam vừa có cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cũng đối diện không ít thách thức. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin cũng như thương mại điện tử, Việt Nam buộc phải có bước chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, còn nếu không sẽ trở nên tụt hậu. Hiện Việt Nam có khoảng 60% dân số (trong số 93 triệu người) dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với các công nghệ mới, khoảng 55% dân số sử dụng internet. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số, với 1 triệu lao động tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo đánh giá của công ty chuyên nghiên cứu thị trường - Nielsen, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 có trị giá lên tới 4 tỷ USD (gần 100.000 tỷ đồng) và với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 22% thì trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Thay đổi quản lý để thu được thuế

Phát triển kinh doanh thương mại điện tử là sự phát triển tất yếu vì có nhiều thuận tiện hơn so với kinh doanh truyền thống. Bởi kinh doanh thương mại điện tử kết nối, cung ứng dễ dàng và giảm thiểu chi phí về mặt bằng, kho bãi. Giao dịch điện tử cũng nhanh hơn so với giao dịch truyền thống. Nếu giao dịch truyền thống phải gặp trực tiếp hoặc qua bưu điện thì giao dịch điện tử chỉ cần gửi fax hoặc vài cú click chuột. Chi phí cũng rẻ hơn, giao dịch qua internet dễ dàng trong việc gửi thư tiếp thị, chào hàng đến hàng loạt khách hàng ở khoảng cách xa cách đại dương mà không tốn chi phí. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian gặp mặt trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm, giao nhận tận nơi một cách nhanh chóng. Những lợi ích như trên chỉ có được với những tổ chức, cá nhân thực sự nhận thức được giá trị của thương mại điện tử. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm hình thức thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thời gian qua, do chưa bắt kịp xu thế nên Việt Nam đã để khoảng trống về thuế đối với các doanh nghiệp, trang mạng ở nước ngoài nhưng kinh doanh trên thị trường Việt Nam và không nộp thuế. Các trang mạng như Agoda, Google, Facebook nhận quảng cáo, bán hàng rầm rộ nhưng chúng ta không thu được thuế. Hiện nay còn có các kênh phát sóng truyền hình, website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài đang phát triển mạnh mẽ.

Thế nhưng, cách quản lý của cơ quan thuế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu một cách đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh này, nên không thu được thuế. Nguyên nhân, các đơn vị kinh doanh không có địa điểm kinh doanh, không nắm được quá trình giao dịch, thanh toán nên không có cơ sở tính thuế. 

Để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW đối với quản lý kinh doanh thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng đề án và đề xuất các giải pháp cụ thể việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và  Truyền thông, Bộ Công an... trong quản lý.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thông qua cổng thanh toán nội địa để giúp cơ quan thuế kiểm soát được doanh thu của các đơn vị, cá nhân kinh doanh; từ đó có cơ sở đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài khấu trừ nộp thuế. Hình thức này đã được các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện. Sắp tới khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông dễ dàng yêu cầu các đơn vị kinh doanh thiết lập đầu mối, như mở văn phòng đại diện chính thức của các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam nhằm phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong khai báo, nộp thuế nhà thầu khi kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng thời, để quản lý thu thuế đối với các cá nhân bán hàng qua mạng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế, sẽ phải nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân bán hàng qua mạng như phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới. Đơn cử, nếu đề xuất mức thu đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên thì thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo một tỷ lệ ấn định, để đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục