Sức ép ngàn cân

Việc LĐBĐ Việt Nam (VFF) chuẩn bị đàm phán để tái ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nảy sinh các ý kiến trái chiều về tiền lương mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đòi hỏi cũng như khả năng chi trả của VFF. 

Mọi sự thay đổi nào quá lớn thường gây tranh luận, nhưng việc nó kết thúc ra sao, thì chủ yếu chỉ có những người trong cuộc mới biết. Quá trình xúc tiến hợp đồng mới với HLV Park Hang-seo vẫn chưa diễn ra, các thông tin thiếu kiểm chứng cũng khá nhiễu loạn, dẫn đến một viễn cảnh không tốt cho bóng đá Việt Nam. Ví dụ, nếu cho rằng HLV Park Hang-seo được trả lương quá cao, sẽ khiến các đòi hỏi về thành tích tăng lên, kiểu như dự World Cup chẳng hạn. Trong trường hợp kết quả không như ý, thì dẫn đến chuyện đòi sa thải HLV. Lúc đó, ít ai quan tâm đến năng lực thực sự của bóng đá Việt Nam nữa. Còn giả sử VFF đàm phán có lợi về tài chính khi vẫn tái ký nhưng tăng lương cho ông Park không quá nhiều, thì khi đội tuyển thất bại, chính VFF sẽ chịu toàn bộ chỉ trích của dư luận do đã “ép thầy Park”.

Đây chính là điều đáng tiếc trong một sự việc mà lẽ ra phải êm thấm, hạnh phúc cho cả đôi bên. Cả VFF lẫn HLV Park Hang-seo đều thừa nhận muốn tiếp tục hợp tác, nhưng chẳng hiểu sao, mọi thứ lại không được đàm phán theo cách của những “người trong một gia đình” với nhau, và các thông tin tế nhị được giữ kín để bảo đảm cho đôi bên không chịu nhiều sức ép. Nói cho cùng, thành tích của đội tuyển mới là quan trọng nhất chứ không phải ai thắng - ai thua, thiệt hay hại trên bàn đàm phán hợp đồng. Đằng này, những thông tin liên quan đến tiền lương, trợ cấp, thậm chí là các khoản đóng thuế, phụ phí cứ thay nhau xuất hiện công khai và không được xác tín. Trong vai trò của một “ông chủ”, là người tuyển dụng, đâu có ai cấm VFF đề nghị đàm phán sớm với HLV Park Hang-seo thay vì đợi đến thời hạn quy định của hợp đồng cũ. 

Nói như vậy để thấy, lo lắng cho trách nhiệm cũng như năng lực của VFF hiện nay và đặc biệt là vai trò của vị Phó chủ tịch tài chính, người lẽ ra phải là đầu tàu trong công việc có thể xem là quan trọng nhất đối với vị trí mà ông này đã đắc cử. Trong những phát biểu của VFF liên quan đến hợp đồng của HLV Park Hang-seo, tuyệt nhiên không thấy quan điểm của ông Cấn Văn Nghĩa, người đang bận thực thi nghĩa vụ của mình liên quan đến công tác thanh tra những sai phạm về tài chính của Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình trong khoảng thời gian mà ông giữ vị trí giám đốc trước khi nghỉ hưu và “hạ cánh” về VFF.

VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tình hình tài chính là một trong các yếu tố cần minh bạch và công khai. Nhìn vào con số ấy, người ta mới biết VFF có làm việc hiệu quả hay không, đủ năng lực điều hành và phát triển nền bóng đá không hoặc có cần phải nhận thêm sự trợ giúp từ cộng đồng không? Cụ thể như trường hợp của ông Park, nếu biết VFF không có tiền, ngân quỹ ở tình trạng âm, nguồn thu không tăng so với trước thì sẽ biết là họ đủ khả năng trả lương hoặc cần phải làm gì để kiếm tiền trả lương. Thực tế là kể từ sau khi ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái đến nay, VFF chỉ có thêm một nhà tài trợ cho đội tuyển Việt Nam nhưng đó cũng là một khách hàng của Công ty Dentsu, đơn vị “thầu quảng cáo” của VFF. Nói cách khác, tân phó chủ tịch tài chính của VFF hoàn toàn chưa để lại dấu ấn gì, rồi đến khi cần ông ta làm việc nhất, thì cũng bặt tăm.

Thực tế, để trả lương cho HLV Park Hang-seo không phải là chuyện quá khó khăn khi bóng đá Việt Nam cũng như cá nhân của ông Park nhận được sự thiện cảm lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng cho dù là ai bỏ tiền ra trả, thì việc đàm phán với ông Park và chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền tài trợ, vẫn thuộc về VFF. Nói cách khác, VFF phải tự đi kiếm tiền, tự làm phồng ngân quỹ của mình lên thay vì đợi sự hỗ trợ của người khác. Có như vậy thì mới thể hiện được trách nhiệm của những người được cộng đồng bóng đá tín nhiệm. Để một phó chủ tịch tài chính không làm được việc, thì chính ban chấp hành VFF cũng nên tự xem lại trách nhiệm của mình. Chí ít, chính họ cũng nên tự bỏ tiền túi để tham gia trả lương cho HLV trưởng như trường hợp của Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức ở nhiệm kỳ trước.

Tin cùng chuyên mục