Sức ép lạm phát còn lớn

Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ nhưng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra… 

Ngày 31-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu họp phiên thường kỳ tháng 7-2018 trong 2 ngày, thảo luận về công tác xây dựng thể chế và phát triển kinh tế  -xã hội.

Ngày đầu, Chính phủ họp về thể chế chính sách. Ngày 1-8, Chính phủ họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018, định hướng thời gian tới. Cuối giờ ngày mai, Văn phòng Chính phủ sẽ tổ chức họp báo.

Sức ép lạm phát còn lớn ảnh 1 Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2018. Ảnh: VGP News

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát giữa bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản chưa có tác động lớn đối với thương mại trong nước, thị trường ngoại hối và tỷ giá có biến động ở một số thời điểm nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.

Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI), sau 2 tháng liên tiếp tăng cao, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) phục hồi mạnh sau quá trình giảm từ các tháng đầu năm, đạt mức tăng trưởng rất tích cực trong tháng 7, ước tăng 14,3% so với tháng 7-2017. Tính chung 7 tháng, IIP ước tăng 10,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,1%), trong đó dẫn đầu cả nước là Hà Tĩnh (149,3%) chủ yếu do đóng góp của tập đoàn Formosa và Thanh Hóa (28%) do dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức, nổi bật nhất là sức ép về lạm phát vẫn tiếp tục hiện hữu do các nguyên nhân bên ngoài như giá dầu thô tiếp tục tăng cao (bình quân 7 tháng khoảng 74 USD/1 thùng, tăng 37% so với cùng kỳ) kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự kiến sẽ có diễn biến khó lường do những phản ứng điều chỉnh của phía Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ cũng như việc đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất của Fed.

Phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình an ninh trật tự ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; trong đó đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic quốc tế đạt kết quả xuất sắc; đã tiến hành xử lý nghiêm các vụ tiêu cực trong thi cử. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao, dự báo triển vọng tốt của kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, bàn kỹ các giải pháp, đối sách cụ thể. Trong đó, tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nhất là nông nghiệp, ngay sát Hà Nội cũng ngập úng kéo dài. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT  nêu rõ các biện pháp, nhất là quản lý hồ đập, công trình thủy lợi.

Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ nhưng theo Thủ tướng sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra… Thủ tướng đề nghị tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương phối hợp xử lý; đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể về vấn đề này.

“Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”, Thủ tướng nói.

Trước tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm các điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí logistic…

Về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2018 phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT phát biểu về vấn đề này, lưu ý tập trung vào các giải pháp. Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về việc tổ chức kỳ thi này.

Tại kỳ họp này, Chính phủ họp về xây dựng thể chế pháp luật, thảo luận về các dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; 161/2016NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ cũng sẽ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục