Sữa tươi sạch - xu hướng tiêu dùng mới

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng cao, bởi sữa đã trở thành thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, việc chọn loại sữa nào để an toàn cho sức khỏe giữa hàng trăm loại sữa đang được bày bán trên thị trường là vấn đề mà người tiêu dùng rất quan tâm.
Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn thương hiệu sữa để sử dụng
Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn thương hiệu sữa để sử dụng

Thương hiệu trong nước chiếm ưu thế

Theo các chuyên gia, sữa bột chủ yếu là sữa dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hiện có rất nhiều hãng sữa trong nước và nước ngoài tham gia vào phân khúc sản phẩm này. Thị trường sữa bột tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân hàng năm là 12,7% trong 5 năm qua.

Thống kê của Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, doanh thu toàn ngành sữa năm 2017 đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2016. Trong đó sản phẩm sữa tươi đạt 1.333,4 triệu lít, tăng 6,6% so với năm 2016; sữa bột đạt 127,4 ngàn tấn, tăng 10,4% so với năm 2016. Về mức tiêu thụ, hiện bình quân tiêu thụ sữa tại Việt Nam là 26 lít/người, tăng hơn nhiều so với các năm trước đây - cho thấy nhu cầu sử dụng sữa của thị trường không ngừng tăng.

Như đánh giá của các chuyên gia, sau nhiều năm “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam với các chiêu khan hàng, hết hàng, giá cả liên tục biến động… cú sốc từ nhãn hiệu sữa Abbott, Karicare bị nhiễm khuẩn vào năm 2013 đã khiến sữa ngoại nhập dần yếu thế trên thị trường Việt Nam. Dù đã có công bố chính thức từ cơ quan chức năng (trong và ngoài nước) về một số sản phẩm thức ăn công thức nhập khẩu không bị nhiễm khuẩn clostridium botutinum, nhưng do tâm lý cảnh giác với sữa nhập khẩu khiến nhiều phụ huynh chuyển sang chọn sữa nội cho con em mình. Xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm sữa trong nước đang tiếp sức cho các hãng sữa Việt.

Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, hiện Vinamilk (VNM) đang dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 27% (mảng sữa bột đóng góp khoảng 26% doanh thu và 28% lợi nhuận gộp cho VNM trong năm 2017), nhãn hiệu Abbott đứng thứ 2 với 17% và tiếp theo là Friesland Campina với 12% thị phần.

Trong khi thị phần của cả Abbot và Friesland Campania vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong 3 năm qua, thì Nutifood nổi lên ở phân khúc bình dân. Thị phần của Nutifood đã tăng từ 10% năm 2014 lên khoảng 15% trong năm 2017. Nutifood có sản phẩm đa dạng và giá thấp hơn 10% - 15% so với các nhãn sữa nội khác. Điều này cho thấy Nutifood sẵn sàng chấp nhận biên lợi nhuận thấp để dần tăng thị phần.

Nhà sản xuất phải xem trọng điều mình cam kết

Xu hướng tiêu dùng sữa nước đang có sự thay đổi rõ rệt, người dùng có nhu cầu sử dụng sữa tươi nguyên chất ngày càng nhiều. Nguồn cung sữa nước cũng có nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh những nhãn hàng sữa nước tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng 100% nguyên chất, thị trường sữa còn có thêm các cơ sở nhỏ, điểm thu mua sữa bò tươi trực tiếp từ các hộ nuôi bò để giao trực tiếp đến nhà. 

Giờ đây, người tiêu dùng quan tâm hơn đến hàm lượng, chất lượng của sữa và yêu cầu nhà sản xuất cung cấp đúng sản phẩm đã cam kết, yêu cầu được dùng sản phẩm dinh dưỡng cao, đủ dưỡng chất. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng vô cùng phẫn nộ khi vẫn phát hiện nhiều loại sữa trên thị trường có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn rất nhiều so với số liệu được ghi trên nhãn mác.

Bên cạnh đó cũng có không ít loại sữa nhiễm những hóa chất độc hại bị phát giác. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, người tiêu dùng Việt ngày nay dễ dàng kiểm chứng các sản phẩm. Bởi vậy, các nhà sản xuất phải xem trọng điều mình cam kết để giữ thị phần. 

Chính việc không trung thực của các hãng sữa khiến người tiêu dùng bắt đầu đưa ra những tiêu chí khắt khe hơn trong việc chọn sữa và một trong những tiêu chí hàng đầu của họ hướng tới là tìm các loại sữa sạch. Sữa sạch ở đây được hiểu là sữa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hoàn toàn sạch từ khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến tới khâu đóng gói và đưa ra thị trường. Mục tiêu tiếp theo mà người tiêu dùng hướng đến là sản phẩm sữa được sản xuất theo tiêu chuẩn organic.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, organic là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay. Các sản phẩm này được kiểm định và đánh giá rất kỹ, đảm bảo chất lượng tối ưu, giàu dinh dưỡng tự nhiên, an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Đây cũng là lý do sản phẩm sữa organic dù có giá cao nhưng lại được các bậc phụ huynh chọn lựa cho con em mình. Hiện có nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Lotte Mart… và các cửa hàng đang kinh doanh sữa tươi organic từ ngoại nhập cho tới sản xuất trong nước.  

Nhận thức được sự thay đổi này, các doanh nghiệp sữa trong nước một mặt đầu tư mở rộng nhà máy, mặt khác đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất. 

 Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ đạt 1 tỷ lít, đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025. Tuy nhiên, nếu muốn thu hút được người tiêu dùng, các hãng sữa cũng phải thay đổi chiến lược và cung ứng những sản phẩm sạch, an toàn.


Đơn cử như Vinamilk, đầu năm 2017 đơn vị này đã khánh thành trang trại bò sữa organic tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, quy mô ban đầu hơn 500 con và sẽ tiếp tục tăng đàn trong thời gian tới. Sản lượng sữa organic thu được từ trang trại này khoảng 2.700kg/ngày. Hiện giá bán sữa organic của hãng này là 55.000 đồng/hộp 1.000ml và 12.100 đồng/hộp 180 ml.

Tương tự, TH True Milk cũng đầu tư trang trại hàng trăm hécta để sản xuất sữa tươi organic đạt các tiêu chuẩn EC834-2007, EC889-2008 (châu Âu) và đang tiếp tục lấy chứng nhận hữu cơ USDA-NOP (Mỹ). 

Chị Nguyễn Mai Ka (quận Bình Thạnh) chia sẻ, qua báo chí, chị được biết sản phẩm sữa tươi organic tốt cho sức khỏe nên kể từ khi thị trường có loại sữa này nên đã tìm mua về cho gia đình uống. Tuy nhiên, theo chị Mai Ka, do thị trường có rất nhiều hãng sữa sản xuất theo chuẩn organic nên chị còn băn khoăn không biết sản phẩm của hãng nào mới thực sự chất lượng. 

Bà Lâm Hà (Việt kiều Mỹ) cho hay, nếu tại Mỹ chỉ cần đến các siêu thị mua sản phẩm có nhãn hữu cơ là hoàn toàn tin tưởng vì đã được USDA cấp chứng nhận, nhưng tại Việt Nam thực phẩm hữu cơ không có cơ quan nào đứng ra kiểm duyệt, chịu trách nhiệm đến cùng mà sản phẩm hoàn toàn do doanh nghiệp sản xuất tự chứng nhận nên người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.

Tin cùng chuyên mục