Sửa chữa quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung: Cần giải pháp căn cơ

Dù mới bước vào những cơn mưa đầu mùa, nhưng nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 1A (QL1A) qua một số tỉnh miền Trung, mặt đường tiếp tục “điệp khúc” ổ gà, ổ voi... Nhiều dự án, đoạn, tuyến bị hư hỏng xuống cấp nặng gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông, song các nhà thầu, đơn vị thi công chỉ khắc phục bằng cách cắt vá từng mảnh nhỏ, khiến mặt đường như chiếc áo vá nham nhở.
QL1A đoạn qua xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) vừa được khắc phục, nâng cấp lại bị hư hỏng nặng. Ảnh: NGỌC OAI
QL1A đoạn qua xã Cát Tân (huyện Phù Cát, Bình Định) vừa được khắc phục, nâng cấp lại bị hư hỏng nặng. Ảnh: NGỌC OAI

Vá chằng vá đụp

Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua Thừa Thiên - Huế có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi trong việc kết nối huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau chưa đầy 5 năm đưa vào sử dụng, tuyến đường này xuất hiện nhiều đoạn hư hỏng, hằn lún, ổ gà, ổ voi khiến người dân, lái xe ngán ngẩm, bất an… Trong đó, đoạn từ Km848+875 - Km890+200 đi qua địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) do Ban Quản lý dự án 4 (Bộ GT-VT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, hiện xuất hiện dày đặc các vị trí bị rạn nứt chân chim. Sau những đợt mưa làm lớp thảm mặt đường bị vỡ ra thành ổ gà, ổ voi. Tương tự, một đoạn QL1A dài khoảng 1km qua địa phận thôn Nam Phổ Hạ, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, hiện hữu hàng loạt ổ gà, ổ voi lớn giữa đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Nam Phổ Hạ, cho biết, với cách sửa chữa đường theo kiểu chắp vá, tạm thời nên chỉ một thời gian ngắn, mặt đường lại bị bong tróc, hằn lún khiến xe cộ người dân đi qua liên tục bị tai nạn. Trong khi, các phương tiện giao thông, nhất là xe tải khi đi qua đoạn đường này chuyển hướng đột ngột để tránh ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. 

Công tác sửa chữa, khắc phục QL1A Bình Định, Phú Yên cũng đang được các nhà thầu, đơn vị thi công triển khai rốt ráo để chạy đua với mưa bão. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo SGGP, việc khắc phục, sửa chữa này chỉ tạm thời, theo kiểu chắp vá rất bất cập. Những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, dọc tuyến QL1A Bình Định, đoạn qua xã Hoài Hảo và Hoài Đức (thị xã Hoài Nhơn); tuyến tránh thị trấn Phù Mỹ, đoạn qua xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ; Cát Tân, huyện Phù Cát mặt đường chằng chịt những miếng cắt vá mới cũ chồng chéo lên nhau, lún tạo sống lưng trâu, ổ gà, ổ voi. Đoạn qua xã Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu); dốc Vườn Xoài, xã An Dân (huyện Tuy An) - đều ở Phú Yên - tình trạng mặt đường cũng tương tự. Đáng chú ý, nhiều điểm đường càng vá lại càng hư hỏng nặng, những miếng vá vỡ ra thành nhiều ổ gà nhỏ. Điệp khúc cắt vá liên tục trong nhiều năm qua làm cho mặt đường chẳng khác nào tấm áo vá chằng vá đụp… 

Sửa xong... lại hỏng

Liên quan đến các hư hỏng, xuống cấp tại tuyến QL1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong năm 2019, Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Quản lý đường bộ II, Bộ GTVT) đã 5 lần gửi văn bản đốc thúc, yêu cầu phía Ban Quản lý dự án 4 - chủ đầu tư tuyến QL1A đoạn qua địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) sửa chữa các điểm hư hỏng, bất cập trên tuyến đường này. Tuy nhiên, các đơn vị thi công sau khi sửa chữa được một thời gian ngắn thì đường lại hỏng nặng hơn. 

Bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho biết, dự án mở rộng QL1A đoạn qua Bình Định, gồm 2 dự án thuộc BOT và 1 dự án thực hiện theo vốn trái phiếu Chính Phủ (do Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư). Các dự án đều triển khai từ quý II-2013, đến đầu năm 2016 thì đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, các dự án khi đưa vào khai thác thường xuyên phát sinh các hư hỏng, nặng nhất là vào mùa mưa lũ 2016, 2017, 2018. Nguyên nhân hư hỏng, chủ yếu là do lỗi chủ quan của các chủ thể tham gia dự án chưa đồng đều từ khâu thiết kế, thẩm định, tổ chức thi công, giám sát, kiểm soát đến chất lượng thi công, vật liệu… 

Theo bà Lý Tiết Hạnh, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu thầu các dự án giao thông trọng điểm đầu tư công, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định kiến nghị, trên cơ sở Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư công mới được Quốc hội ban hành, đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thi hành để luật sớm đi vào thực tế… Bà Hạnh cũng đề nghị các nhà đầu tư khẩn trương quyết toán các dự án để xác định phương án tài chính và thời gian thu giá, sử dụng dịch vụ chính thức. Trên cơ sở đó, công bố công khai thời gian thu phí, nghiên cứu các giải pháp để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm BOT.

Tin cùng chuyên mục