Sự việc chưa kết thúc

Trưa nay, lúc tôi đang ăn cơm trong nhà, bỗng nghe thấy tiếng động mạnh bên ngoài. Đó là một vụ tai nạn. Nói đúng hơn, đó là vụ việc người điều khiển xe máy tông thẳng vào cảnh sát giao thông.
Sự việc chưa kết thúc

Tôi chạy ra đã thấy một anh cảnh sát giao thông đang nằm ôm chân trên đường. Cách đó tầm hai mươi mét là chiếc xe máy đổ ra đường, người vi phạm giao thông đã bị tóm gọn. Mọi người xúm lại quanh anh cảnh sát, vội vàng sơ cứu để đưa vào bệnh viện.

Bên vệ đường, cậu thanh niên mặc áo khoác màu xanh đang ngồi ôm đầu. Hình như cậu ta không hề hấn gì sau cú ngã, nhưng tâm trí thì bấn loạn. Trừ những thành phần bất hảo, còn thì ai vướng phải trường hợp này chắc cũng đều hoảng sợ. Đường tắc một đoạn dài.

Ồn ào tiếng người bàn tán: “Dại quá. Mất vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng không muốn, lại đâm vào cảnh sát giao thông”, “Ối giời. Tôi nhìn rõ mồn một, anh cảnh sát lao ra giữa đường chặn xe. Xe nó đang đi tốc độ nhanh như thế mà lao thẳng ra thì không nát người là may”, “Rõ khổ.

Biết là các anh ấy thi hành nhiệm vụ, nhưng sao lại lao ra đường chặn xe vi phạm như thế. Mà nghe nói anh này vừa mới ra viện đấy. Tuần trước cũng mới bị tông xe”, “Sao biết?”, “Ối giời. Đăng đầy trên mạng ấy. Giờ vào trang thị xã trên Facebook khéo có đứa đang livestream vụ này rồi ấy. Kia kìa, mười người thì đến tám người đang giơ cái điện thoại ra quay đấy thôi”.

Bên vệ đường, anh cảnh sát giao thông đang chất vấn người vi phạm: “Cậu có biết tội chống đối, gây thương tích cho người thi hành công vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Cậu sẽ bị tạm giam, hãy liên lạc với người nhà đến để giải quyết”. Cậu thanh niên ngồi trên vỉa hè, gục mặt xuống hai đầu gối. Lát sau, cậu lần tìm điện thoại, run run bấm gọi cho ai đó. Có thể là gia đình. Có thể là cầu cứu người quen. Những lúc như thế này phải lục tung trí nhớ và danh bạ điện thoại để tìm một mối quan hệ nào đó có tiếng nói để cậy cục nhờ vả, xin xỏ hộ mình. 

“A lô mẹ à? Con đang bị cảnh sát giao thông bắt giữ ở thị xã. Mẹ gọi cho bác Quang đi. Nói bác xin giúp con”. Cậu ta ngừng nói, hình như ở phía bên kia người mẹ có kêu lên, kiểu như: “Trời ơi, đi đứng kiểu gì mà bị bắt giữ? Thế bị bắt lỗi gì?”. Cậu ta vò đầu, giọng run run: “Con tông vào cảnh sát giao thông. Anh ta đi viện rồi”. Tôi có thể nghe thấy những tiếng kêu “trời ơi” của bà mẹ ở một nơi nào đó. Giống như mẹ tôi mỗi lần nghe điện của mấy đứa con trai trong nhà.

Chẳng có cuộc điện nào bình yên. Lúc thì báo nợ gọi mẹ mang tiền đi chuộc người về. Lúc thì báo đang bị tai nạn trên một đoạn đường nào đó. Có khi gọi báo bị cảnh sát giao thông giữ xe, tiền nộp phạt gần chục triệu đồng. Lần nào mẹ cũng than “trời ơi”, chân tay rụng rời. Mẹ buông thõng người ngồi xuống thềm nhà, gốc cây, hay giữa thửa ruộng đang cày dở, bật khóc. Mẹ sẽ tự hỏi: “Giờ lấy đâu ra tiền? Ối con ơi là con”. Mẹ sấp ngửa chân, quần ống thấp ống cao chạy vạy khắp nơi. Mẹ chạy từ đầu xóm đến cuối xóm. Từ người thân đến người quen để vay tiền cứu con.

Có lần, mẹ đạp xe giữa trời nắng nóng đi xoay tiền, chẳng may xe hỏng. Mẹ phải dắt bộ mấy cây số, vượt qua nhiều con dốc đứng mới về đến nhà. Có lần, mẹ đội mưa đi gửi tiền cho thằng con “có lớn mà không có khôn”. Có biết bao đêm dài mẹ không ngủ được…

Vụ việc xảy ra gần một giờ thì công an hình sự đã có mặt để cùng đo đạc hiện trường. Lúc này, người nhà cậu thanh niên vi phạm đã đến. Chiếc xe máy cũ dựng gọn vào một góc. Người mẹ chắc đã ngoài sáu mươi tuổi với khuôn mặt khắc khổ, dáng người gầy gò, làn da đen sạm. Hình như bà vừa đi làm đồng nên quần áo còn lấm bùn, những ngón chân còn bám đầy phèn đỏ. Bà khúm núm tiến lại phía mấy đồng chí công an đang chờ lập biên bản. Người mẹ bắt đầu bật khóc khi biết con mình đã được đưa đến đồn công an phường.

Hai tay đan vào nhau, bà khẩn khoản xin xỏ cho con, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Ở đây chúng tôi làm việc theo pháp luật. Chống đối, gây trọng thương người thi hành công vụ sao có thể xin xỏ là xong”. Trong đám đông có ai đó cảm thông: “Đúng là con dại cái mang. Tù tội đâu chưa biết, nhưng trước mắt là bị phạt khối tiền”. Có ai đó mỉa mai: “Với những đứa coi thường pháp luật và tính mạng người khác thì cứ để nó đi tù cho biết mặt. Thương xót nỗi gì”.

Biên bản đã được lập. Xe vi phạm được chở về đồn. Nghe nói anh cảnh sát vào viện đã được thăm khám, băng bó, may là vết thương không nặng. Đám đông cũng đã giải tán dần, ai làm việc nấy. Xe cộ chạy bon bon trên đường. Chẳng ai còn bàn tán đến sự việc khi nãy nữa, họ còn mải mê với cơm áo gạo tiền.

Ngay tại đây, mọi việc đã xong xuôi, nhưng tôi biết sự việc vẫn còn chưa kết thúc trong trái tim của người mẹ già kia. Suốt đêm nay bà sẽ không ngủ được, vì không biết con mình sẽ thế nào? Có phải ngồi tù không? Tiền phạt biết xoay xở ở đâu? Cái xe đi mượn giờ bị giữ trên đồn, biết ăn nói với người ta thế nào? Trong hồ sơ lý lịch con bà giờ có một vết chàm. Thằng bé còn có cả một tương lai phía trước. Có thể nước mắt bà sẽ chảy hàng đêm, người mẹ nào chẳng thế.

Đêm nay trong một buồng tạm giam nào đó, con trai bà có thể sẽ sợ hãi, có khi ân hận. Nhưng anh ta đã không nhìn thấy khuôn mặt mẹ mình lúc dồn hết sức lực để đứng dậy đi về sau khi đã ký vào tờ biên bản. Ánh mắt vô vọng đến thống khổ còn ám ảnh hơn bất cứ bản án nào.

Tin cùng chuyên mục