Sự trở lại của các động vật tuyệt chủng

Sau gần cả trăm năm biến mất, tưởng chừng như đã tuyệt chủng, nhiều loài động vật từ bò sát, lưỡng cư đến động vật có vú đột nhiên “sống dậy”, đem lại những bất ngờ lý thú dành cho giới khoa học.

Có thể kể đến loài tắc kè hoa Voeltzkow, vốn bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 1913, không còn tìm thấy tại quê hương Madagascar. Nhưng năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt của loài tắc kè này khi nhóm các nhà nghiên cứu từ bộ sưu tập động vật học của bang Bavaria ở Munich (Đức) đã thực hiện chuyến thám hiểm tới Madagascar với mục tiêu kiếm tìm loài động vật đã tuyệt chủng.

Sau cả tuần lặn lội ở những nơi xa xôi và hẻo lánh nhất ở tỉnh Mahajanga, nơi hơn 100 năm trước nhà khoa học Oscar Boettger lần đầu tiên nhìn thấy tắc kè Voeltzkow, nhóm tìm kiếm vô tình phát hiện được một con Voeltzkow tại ngay khu vườn của khách sạn nơi họ ở. Từ manh mối này, các nhà khoa học khám phá ra nơi ở mới  của loài này, nhưng chưa xác định được chính xác tình trạng quần thể.

Danh sách 25 loài mất tích được tìm kiếm nhiều nhất của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC) có chuột chù voi Somalia (ảnh). Đây là loài vật đã không được nhìn thấy trong nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, các nhà khoa học người Mỹ đã phát hiện ra loài động vật có vú nhỏ bé ăn côn trùng vẫn sống ở Đông Bắc châu Phi. Do tình hình chiến sự ở Somalia, các nhà khoa học đã phải thử vận may, đặt hàng ngàn chiếc bẫy trên lãnh thổ quốc gia láng giềng Djibouti, nơi có điều kiện tự nhiên giống Somalia. Và may mắn đã mỉm cười với họ khi họ bắt được 5 con đực và 3 con cái.

Chuột chù voi Somalia không bị tuyệt chủng mà vẫn còn tồn tại và có quần thể rất đông. Trong những loài động vật tuyệt chủng bất ngờ “sống lại” còn có những loài đáng chú ý khác như ếch nước Hall sống trên sa mạc, hay loài chó “biết hát” Guinea có tiếng hú đặc trưng… 

Tin cùng chuyên mục