Sự thật về “Điểm nóng Bến Tre: 155 thai phụ nhiễm HIV“

Ngày 29-9, ông Trịnh Thịnh, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bến Tre cho biết: Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện các tin, bài có nhan đề: “Điểm nóng Bến Tre: 155 thai phụ bị nhiễm HIV”. Cách đặt tít, tựa bài báo như trên chưa chính xác và gây hiểu lầm cho nhiều người, theo ông.
Thông tin "Điểm nóng Bến Tre: 155 thai phụ nhiễm HIV" xuất hiện trên nhiều tờ báo và trang tin mạng
Thông tin "Điểm nóng Bến Tre: 155 thai phụ nhiễm HIV" xuất hiện trên nhiều tờ báo và trang tin mạng

Theo Sở TT-TT tỉnh Bến Tre, ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Bến Tre làm rõ thông tin.

Sau đó, Sở Y tế Bến Tre cùng một số cơ quan chức năng đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre.

Bác sĩ Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre, cho biết: Thực hiện công văn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 2 ngày 21 và 22-9-2017, Trung tâm đã tiếp đoàn nhà báo trung ương đến nắm tình hình dịch HIV/AIDS và kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Bến Tre trong thời gian qua.

Ngoài việc tổ chức cho đoàn nhà báo đi thực tế, trung tâm đã cung cấp cho đoàn bản báo cáo tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Bến Tre trong những năm qua, trong đó có số liệu 155 thai phụ ở Bến Tre bị nhiễm HIV mà các báo đã đề cập.

Tuy nhiên, sự thật không như nhiều người đã người ngộ nhận.

Bác sĩ Kim Thoa cho biết: Con số 155 thai phụ ở Bến Tre nhiễm HIV là có thật, nhưng nó được cộng dồn từ năm 2008 (khi Bến Tre bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) cho đến nay, chứ không phải là tổng số các trường hợp thai phụ nhiễm HIV được phát hiện trong cùng một thời điểm hay trong một thời gian ngắn.

Tính trung bình mỗi năm phát hiện chỉ 17 trường hợp thai phụ nhiễm HIV, nếu so với mặt bằng chung của cả nước và khu vực ĐBSCL thì tình hình thai phụ nhiễm HIV ở Bến Tre chưa đến mức báo động, chưa phải là điểm nóng.

Còn việc có nhiều bài báo cho rằng Bến Tre đang là "điểm nóng" về dịch HIV/AIDS, bác sĩ Võ Hồng Khanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết thêm: Với số lượng người nhiễm HIV ở Bến Tre tính từ năm 1993 (thời điểm phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Bến Tre) cho đến nay là 2.467 người. Trung bình mỗi năm, Bến Tre phát hiện thêm 150 người nhiễm HIV mới, đây chưa phải là con số đáng báo động. So với bình quân chung của cả nước và một số tỉnh trong vùng thì Bến Tre vẫn chưa phải là điểm nóng về dịch HIV/AIDS.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến thời điểm này, An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp là 3 địa phương có số lượng người nhiễm HIV cao nhất ĐBSCL.    

Tin cùng chuyên mục