Sự sống từ những ngày “mưa bão”: Giữ từng nhịp thở

“Bệnh nhân trong đó vẫn tỉnh táo, nhận thức được hết, nhưng chỉ việc giữ hơi thở cũng đã khó khăn, có bệnh nhân nằm 1 tuần mà sụt hẳn 10kg”. Bác sĩ Thanh kể, mắt không thôi hướng về khu hồi sức tích cực…

1. Một bệnh nhân cần thở oxy dòng cao (HFNC), thiết bị lập tức được chuyển vào, bác sĩ Thanh tiến hành các công việc để kịp giữ nhịp thở của bệnh nhân… Anh giữ khoảng cách an toàn khi trò chuyện, nhưng chúng tôi vẫn thấy rõ vầng trán anh với những vết hằn ngang dọc vì phải mặc đồ bảo hộ liên tục, mồ hôi lấm tấm.

Anh kể: “Bệnh nhân áp lực tâm lý lắm, có cô bệnh nhân trong đó mấy ngày trước thở HFNC 60 lít/phút mà vẫn không thở nổi, có lúc tôi phải nói thật lớn để cô tập trung và nghe mình hướng dẫn. Nói lớn là để cô tập trung hơn vào việc tập thở và chỉ tập thở thôi, vậy là mấy bữa sau có thể ngồi dậy tự ăn cháo được rồi”.

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 4 (khu tái định cư Vĩnh Lộc B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa triển khai thêm khu điều trị hồi sức tích cực trong tháng 8-2021, công việc hàng ngày của bác sĩ Thanh là ở đây.

“Làm việc ở khu hồi sức tích cực không phải là vất vả hơn, nguy cơ lây nhiễm cao hơn, mà cái chính là bản thân mình vào đó và làm được gì cho bệnh nhân để nhịp thở vẫn được duy trì ổn định. Khó khăn là khó khăn chung của cả thành phố, nên mình cố gắng tìm giải pháp thích nghi, không có gì để kể khổ, kể khó”, bác sĩ Kiều Quốc Thanh chia sẻ.

Bệnh nhân mắc Covid-19, phổi bị tổn thương rất nhanh, lại là khu vực hồi sức thì cận kề nguy kịch, nồng độ oxy trong máu luôn rất thấp, việc kéo oxy lên mức ổn định cần nỗ lực của cả kíp trực. Từ phác đồ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM, trong quá trình theo dõi, điều trị bệnh, mọi người vừa làm, vừa tập huấn và tái tập huấn liên tục… “Bệnh Covid-19 này mới hoàn toàn, nên trong quá trình làm việc, ai có kinh nghiệm, thế mạnh trong phần việc nào thì hỗ trợ đồng nghiệp. Tụi mình cũng có kinh nghiệm dần dần, để điều trị bệnh nhân hiệu quả nhất”, bác sĩ Thanh tâm sự.

2. “Alô… bác sĩ Lành ơi, có thêm 7 bệnh nhân cùng một gia đình vừa được chuyển đến từ quận Bình Tân. Tất cả bệnh nhân đều có giấy tờ đầy đủ, tòa nhà A1.4 có còn giường để tiếp nhận không?”, tiếng điều hành viên từ khu hành chính qua thiết bị bộ đàm hỏi dồn. Đầu dây bên kia cũng gấp gáp: “Bác sĩ Lành đây, tầng 6 còn phòng trống, bạn cho xe đưa bà con xuống gấp nhé”.

Đoạn trao đổi của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện diễn ra chóng vánh. 5 phút sau, xe chở bệnh nhân đã đến trước sảnh tòa nhà A1.4, bác sĩ Nguyễn Thị Lành (Bệnh viện quận Bình Tân, công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 4) cùng 2 đồng nghiệp trong bộ đồ bảo hộ trùm kín, có mặt tiếp nhận. Bên trong chiếc xe cứu thương, 3 bệnh nhân bước xuống...

Trong khu vực theo dõi ca bệnh nặng, một bệnh nhân lớn tuổi đang được hỗ trợ thở oxy, theo dõi nồng độ oxy trong máu. Bà liên tục níu tay bác sĩ như để cầu cứu, nhưng lời nói bị cản lại bởi mũ chụp oxy đang úp kín vùng mũi miệng. Bác sĩ Lành vừa kiểm tra các chỉ số, vừa động viên: “Bác cố gắng nằm nghỉ và hít thở thật sâu vào, cứ yên tâm, chúng con luôn ở cạnh đây”.

Sự sống từ những ngày “mưa bão”: Giữ từng nhịp thở ảnh 1 Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 4. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bác sĩ Lành kể: “Ngày đầu tháng 9, 1 giờ sáng, bệnh nhân khu tôi phụ trách gọi điện trong nước mắt: “Bác sĩ ơi cứu giúp. Gia đình tôi có vài người bị F0”. Từng lời nói ngắt quãng bởi tiếng nấc của bệnh nhân, họ chỉ biết cầu cứu sự giúp đỡ từ bác sĩ. Cổ họng tôi như nghẹn ứ, không thể trả lời được. Tưởng tôi từ chối, người bệnh hoảng hốt: “Xin bác sĩ đồng ý nhận. Bác sĩ không nhận thì người ta không cho chuyển vô được”. Lúc này, tôi mới kịp hồi đáp: “Anh báo hotline nói tôi đồng ý nhận”.

Cũng theo bác sĩ Lành, nhìn cháu bé - con của bệnh nhân cùng cả gia đình 8 người vào một phòng bệnh mà xót xa. Lúc đầu cả nhà căng thẳng, hoang mang, lo lắng, nhất là cụ bà hơn 70 tuổi nằm bẹp, thở khò khè. Chúng tôi tư vấn về tâm lý, điều chỉnh phác đồ điều trị, tiêm kháng sinh, chỉ định dùng thuốc chống đông, hạ sốt, cho thở oxy… Vài ngày sau, kiểm tra lại, thấy bệnh nhân đã tỉnh táo. Bà cụ tươi tỉnh, cháu bé ngủ ngon lành, người đàn ông gọi điện cầu cứu lúc trước cứ cảm ơn mãi.

3. Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 4 được thiết lập, vận hành với trên 200 bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên đến từ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện quận Bình Tân và lực lượng tăng cường từ Viện Y học cổ truyền Trung ương và tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, có sự hỗ trợ bảo đảm công tác hậu cần của gần 300 cán bộ chiến sĩ, dân quân thường trực.

Có thời điểm, ngày cũng như đêm, bác sĩ Nguyễn Trần Nam cùng đồng đội xong việc chuyên môn thì kiêm luôn vai trò khuân vác bình oxy chuyển vào các khu điều trị để bệnh nhân thở… Bình oxy cỡ nhỏ không thấm, những bình lớn sức người trưởng thành khỏe mạnh vác 2 bình cũng phải thở hổn hển, nhưng các anh cứ liên tục, vậy đó.

Cũng may mắn là giữa những nhọc nhằn đó, vẫn có những động viên. “Có nhà hảo tâm tài trợ bình oxy lỏng trung tâm và đi các đường truyền vào bên trong để bệnh nhân thở, bệnh viện chỉ lo phần việc 3 ngày thì bơm oxy một lần. Và bây giờ, chuyện cơ sở vật chất thiếu thốn không phải là vấn đề quá lớn, vì trưng dụng khu nhà tái định cư làm bệnh viện dã chiến thì điều kiện làm sao đòi hỏi đầy đủ như một bệnh viện tiêu chuẩn được, mình phải thích nghi thôi”, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 số 4, chia sẻ.

Xen lẫn tiếng trò chuyện cùng anh là âm thanh máy monitor báo động từ khu vực hồi sức cấp cứu, bác sĩ Nam hướng ánh mắt vào. Trong một khoảng cách an toàn, qua ô cửa sổ, chúng tôi bắt kịp khoảnh khắc đội ngũ y bác sĩ phía bên trong kề cận giường bệnh đến khi mọi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân được ổn định. Nhưng cũng có những khoảnh khắc ở nơi này, mọi nỗ lực của đội ngũ y tế cùng các thiết bị hỗ trợ đã không thắng được phút sinh tử. “Đau đớn lắm!”, giọng bác sĩ Nam thật buồn.

Để sự ra đi của bệnh nhân được nhẹ nhàng nhất, nỗi đau cho người ở lại được xoa dịu, công tác xã hội cũng được đội ngũ nơi này chú trọng. “Đa phần ca bệnh vào đây là cả gia đình cùng mắc bệnh, nên có người này chăm người kia, những ca không qua khỏi trong giờ phút cận kề, chúng tôi cũng cố gắng bố trí để người nhà nhìn thấy nhau lần cuối, để sự ra đi của bệnh nhân được nhẹ nhàng”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Nơi tuyến đầu, các nhân viên y tế chữa trị cho bệnh nhân, xoa dịu những nỗi đau, nhưng có lẽ hơn ai hết, họ cũng là những người cần được xoa dịu về tinh thần. Bởi có những lần vì áp lực tâm lý khi đối mặt với bệnh tật, hay điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, bệnh nhân đã phản ứng lại đội ngũ y bác sĩ. “Có bao giờ mình nản lòng không anh?”, chúng tôi hỏi.

Bác sĩ Nam khoát tay: “Ở đây, bệnh viện cố gắng cung cấp đầy đủ đồ dùng thiết yếu cho bệnh nhân, để mọi người an tâm khi điều trị. Còn phần tâm lý thì mình cố gắng giải thích từ từ để mọi người hiểu và hợp tác. Ở đây ai cũng dặn mình phải cố gắng hơn, chứ không có nản. Nhưng thật ra cũng chỉ vài ngày đầu và số ít thôi, còn lại bệnh nhân họ tình cảm lắm, có người hết bệnh được về mà cứ quyến luyến vì y bác sĩ quá ân cần. Nơi đây cũng là bệnh viện dã chiến đầu tiên có người khỏi bệnh tình nguyện hỗ trợ”.

Khi chúng tôi ra về, phía khu hồi sức, các bác sĩ vẫn hối hả làm việc… Bên ngoài, bác sĩ Nam cùng mọi người chuẩn bị cho buổi trò chuyện trực tuyến vào tối nay. Anh cố gắng kết nối cùng các chuyên gia tâm lý, mở ra cuộc trò chuyện trực tuyến về “Sơ cứu tâm lý cho nhân viên y tế” để đội ngũ y bác sĩ nơi này có dịp trải lòng, cùng trò chuyện và xoa dịu những áp lực cho nhau.

Mọi người gọi anh bằng những cái tên rất thân thương “Người vận chuyển”, “Tâm già kỹ thuật”, công việc chính của anh là điều dưỡng, nhưng khi triển khai thêm khu hồi sức tích cực, anh kiêm luôn việc hỗ trợ lắp đặt các thiết bị y tế.

“Không phải ca trực thì mình như người vận chuyển vậy đó, ngày cũng như đêm, lúc nào cũng để điện thoại, mọi người cần là tui tới liền”, điều dưỡng Trần Vương Tâm chia sẻ. Hơn 2 tháng ròng rã nơi này, anh về thăm nhà được 1 tuần, nhưng phải cách ly riêng. Anh cách ly ở phía trên, còn cả nhà sinh hoạt phía sau, chỉ nhìn và nói chuyện với gia đình từ xa…

Tin cùng chuyên mục