Sự sống nào cũng kỳ diệu

Xe cấp cứu qua cánh cổng bệnh viện, cô níu chặt tay tôi: “Không biết trong đó sao rồi mà xe cấp cứu ra vô nhiều quá”. Giọt nước mắt rớt trên cánh tay tôi, cô nghẹn ngào: “Không phải thân thích, ruột rà gì mà tôi thấy thương quá, con nít đứa nào cũng thấy thương hết”.
Các bác sĩ vui mừng khi ca phẫu thuật thành công. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng thành phố
Các bác sĩ vui mừng khi ca phẫu thuật thành công. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng thành phố

Biết tôi đang tìm đường lên khu vực báo chí để đưa tin về ca phẫu thuật tách hai bé song sinh dính liền, không quen biết, không thân thích nhưng cô níu tay tâm sự như thể đã thân quen.

Lời tâm sự của cô Hồng (50 tuổi, một người nuôi bệnh, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) có lẽ cũng như nỗi lòng của bao người đang theo dõi ca phẫu thuật tách hai bé song sinh Diệu Nhi - Trúc Nhi. Sự sống nào cũng đáng được nâng niu và nhất là trẻ em thì càng cần được chở che nhiều hơn nhưng đôi khi ông trời lại đặt để những trớ trêu như thử thách sức mạnh của con người. Ba mẹ Diệu Nhi - Trúc Nhi đã mạnh mẽ khi quyết định giữ lại hai em dù thai nhi đã được bác sĩ phát hiện dị tật và họ nỗ lực từng ngày cùng các y bác sĩ để hai em đầy đủ sức khỏe bước vào ca phẫu thuật như một bước ngoặt trong cuộc đời hai em. Nhưng đến khi cánh cửa phòng phẫu thuật khép lại, người mẹ trẻ đã không còn chịu đựng nổi đến mức ngất xỉu.

Khuôn viên bệnh viện, người ra kẻ vô, không ít người nhà đang nuôi bệnh cũng dõi theo cuộc phẫu thuật. Đang chờ thủ tục xuất viện cho con gái, anh Tấn Hoài (40 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho hay: “Tôi nghe nói hình như đang phẫu thuật ở lầu 2, mấy bữa nuôi con gái trong này rồi theo dõi tin tức trên báo nên tôi cũng biết về hai cháu. Thấy thương quá, chỉ mong mọi chuyện thuận lợi cho các con”. 

Công tác ở Khoa Hồi sức sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng thành phố), chỉ chăm sóc bé trong vài ngày đầu khi chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương sang, Yến Thu (25 tuổi, điều dưỡng Khoa Hồi sức sơ sinh) giọng run run: “Mong mọi chuyện tốt đẹp, cố lên các con nhé!”.

Sau phần tách liền hai bé thành công, hơn 3 giờ chiều, có mặt ở phòng báo chí, GS-BS Trần Đông A không giấu được sự xúc động: “Tới thời điểm này, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ như dự đoán từ đầu. Hơn mấy tiếng đồng hồ ở phòng phẫu thuật từ sáng đến giờ, quả thật tôi không thấy mệt mỏi gì”.

Là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật tách hai bé song sinh Việt - Đức cách đây 32 năm và hiện tại giữ vai trò tham vấn chuyên môn cho ca phẫu thuật tách hai bé Song Nhi, GS-BS Trần Đông A chia sẻ: “Không có niềm hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của một người bác sĩ cứu được các cháu ở cửa thập tử nhất sinh và nếu ai ở trong vị trí của tôi thời điểm này sẽ càng hạnh phúc hơn. Ca song sinh dính nhau cách đây 32 năm do tôi đứng đầu ê kíp thực hiện thì bây giờ, người đứng đầu ê kíp phẫu thuật cho hai cháu là TS-BS Trương Quang Định - học trò của tôi và nhiều y bác sĩ trong ê kíp hôm nay cũng là học trò của tôi. Đó là niềm hạnh phúc của một người bác sĩ”.

Những ca bệnh hiếm trên thế giới như một thách thức với ngành y, đủ mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra trên bàn phẫu thuật nhưng lương tâm của người bác sĩ chỉ có một. Đó là cố giành lấy sự sống cho mọi người, nhất là trẻ em thì càng được nâng niu hơn.

Gần 10 giờ cân não trong phòng phẫu thuật, mọi công việc hoàn thành, hai bé được chuyển sang phòng hồi sức, TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (trưởng ê kíp mổ) chia sẻ: “Tới mũi khâu cuối cùng, mọi thứ điều ổn định, thuận lợi. Đây có thể gọi là thành công bước đầu, trong thời gian tới chúng tôi vẫn phải nỗ lực rất nhiều”.

Trong phòng chờ dành cho báo chí, không ít lần tôi và các đồng nghiệp hồi hộp theo dõi từng hoạt động bên trong phòng phẫu thuật qua màn hình. Một ngày căng não của các bác sĩ khép lại thành công, chúng tôi cũng khép lại một ngày làm việc dài trong nỗi vui mừng lẫn xúc động, sự sống nào cũng thật kỳ diệu và nhân văn…

Tin cùng chuyên mục