Sứ mệnh đầu tiên của UAE trên hành tinh đỏ

Vào lúc 1 giờ 58 sáng 20-7, tàu vũ trụ Hope (còn gọi là Al Amal) đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản (ảnh), bắt đầu hành trình kéo dài 7 tháng thực hiện sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tàu Hope vẫn có một cuộc hành trình dài phía trước với 500 triệu km để lên đến sao Hỏa.
Sứ mệnh đầu tiên của UAE trên hành tinh đỏ

Dự án đột phá đầu tiên của UAE này có chi phí 200 triệu USD, với mục tiêu lần đầu tiên đưa ra bức tranh toàn cảnh về khí quyển của sao Hỏa, nghiên cứu những thay đổi thường nhật và theo mùa trên hành tinh đỏ. Theo Space, đối với một đất nước hầu như không có chuyên môn về khoa học vũ trụ, đây là một thách thức lớn. 

Trước đó, theo nhiều nguồn tin, cả 3 quốc gia Mỹ, Trung Quốc và UAE đều chọn tháng 7 và 8 là thời điểm lý tưởng để đưa tàu vũ trụ tới khám phá hành tinh đỏ. Sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của UAE dự kiến diễn ra vào ngày 14-7, song đã phải trì hoãn 2 lần do thời tiết xấu. 
Trong khi đó, NASA dự kiến phóng robot Perseverance tới sao Hỏa trong khoảng thời gian từ 30-7 đến 15-8. Perseverance sẽ hạ cánh xuống hố trũng Jezero rộng 45km vào ngày 18-2-2021. Nhiệm vụ khám phá sao Hỏa của Trung Quốc mang tên Thiên Vấn 1, dự kiến khởi hành từ ngày 20-7 đến 25-7. Thiên Vấn 1 gồm tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo, trạm đổ bộ và robot thám hiểm. 

Mọi dữ liệu thu được từ các nhiệm vụ khám phá sao Hỏa sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đất, cấu trúc địa chất, môi trường và khí quyển của hành tinh đỏ, góp phần xây dựng bức tranh toàn cảnh và chi tiết về hành tinh này để phục vụ tham vọng cải tạo sao Hỏa thành nơi con người có thể sinh sống trong tương lai xa của giới  khoa học. 

Tin cùng chuyên mục