Sử dụng nhà ở công vụ: Đúng tiêu chuẩn, không lãng phí

Nhà ở công vụ được dùng cho các đối tượng thuộc diện được sử dụng thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Sau hơn 5 năm triển khai Luật Nhà ở, các văn bản hướng dẫn thi hành và qua tổng hợp báo cáo của các bộ ngành, địa phương cho thấy một số tiêu chuẩn về nhà ở công vụ không còn phù hợp thực tế. Vì vậy, Bộ Xây dựng vừa có dự thảo xin ý kiến về sửa đổi quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ.

Chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn

Theo quy định hiện hành, nhà công vụ là loại hình nhà ở được xây dựng trên nguồn quỹ công do Nhà nước cấp và chỉ dành cho những người làm việc công. Cán bộ đủ tiêu chuẩn có thể được cấp hoặc thuê lại nhà ở công vụ với giá thấp và sử dụng trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước hiện có 75.694 nhà ở công vụ, trong đó có 50 căn biệt thự, 19.866 căn chung cư, 55.778 căn liền kề. Đối với bộ ngành, cơ quan trung ương, tổng quỹ nhà ở công vụ đến giữa năm 2021 là 19.771 căn (32 căn biệt thự, 18.015 căn chung cư, 1.724 căn nhà liền kề). Đối với các địa phương, tổng quỹ nhà ở công vụ là 55.923 căn (18 căn biệt thự, 1.851 căn chung cư, 54.054 căn nhà liền kề). 

Sử dụng nhà ở công vụ: Đúng tiêu chuẩn, không lãng phí ảnh 1 Một góc nhà công vụ ở quận Phú Nhuận, TPHCM, vào sáng 29-8. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc sử dụng nhà ở công vụ không còn phù hợp thực tiễn, đối tượng, có nơi còn sử dụng không đúng mục đích. Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Nhà ở 2014, một số quy định pháp luật về nhà ở công vụ đến nay không còn phù hợp. Đơn cử, theo quy định của pháp luật về nhà ở, cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại các cơ quan trung ương (hệ số phụ cấp chức vụ dưới 1,3) và cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương (hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,9) không thuộc đối tượng được thuê theo tiêu chuẩn nhà ở công vụ, trong khi nhu cầu thực tế của những cán bộ này chiếm số lượng không nhỏ. Ngoài ra, Nghị quyết số 27 ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, cũng không quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo. 

Điều chỉnh để tránh lãng phí 

Từ một số bất cập trong thực tế, Bộ Xây dựng cho rằng cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn nhà ở công vụ thay thế Quyết định 27/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc thay thế là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý sử dụng nhà ở công vụ thời gian tới vừa đúng tiêu chuẩn vừa không lãng phí. Mới đây, Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân góp ý cho dự thảo Tờ trình về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Theo dự thảo, hiện nay, nhà ở công vụ của các bộ ngành, cơ quan trung ương phần lớn là ở chung cư, diện tích tối đa 160m2/căn, riêng một số cơ quan trung ương quản lý nhà ở công vụ biệt thự có diện tích đất khoảng 350m2 trở lên.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), nếu sửa đổi cần xem xét kỹ tiêu chuẩn, đối tượng được thuê ở nhà công vụ. Lý do là một số công chức đang thuê nhà ở công vụ, quy định mới không thuộc đối tượng được thuê nữa sẽ gặp khó khăn về nhà ở. Cơ quan quản lý nhà ở công vụ cũng lúng túng trong việc tiếp tục bố trí cho thuê đối với đối tượng này. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn thiếu một số loại hình nhà ở công vụ (nhà liền kề, nhà ở tập thể) để đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của các địa phương; việc trang bị nội thất cơ bản nhà ở công vụ của các địa phương chưa đảm bảo theo quy định do thiếu kinh phí... Trong khi, một số địa phương có quỹ nhà công vụ nhưng bố trí không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. “Nên rà soát kỹ quỹ nhà công vụ, xây dựng bộ tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp thực tế, đa dạng hóa loại hình nhà ở công vụ, quy định mức phí để cán bộ đủ tiêu chuẩn tự thuê nhà thương mại”, luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Theo Điều 32 Luật Nhà ở 2014, có 7 nhóm đối tượng được thuê nhà công vụ, gồm: cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ Thứ trưởng và tương đương trở lên; cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương chức vụ từ Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên; cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; bác  sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật KH-CN.

Tin cùng chuyên mục