Sử dụng ngân sách đối phó với Covid-19 - Bài 1: Các gói cứu trợ khổng lồ

LTS: Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Có thể nói cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra chưa có điểm dừng và thế giới chuẩn bị bước vào năm thứ 3 đương đầu với đại dịch. Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ Covid-19, các quốc gia đã có nhiều biện pháp khẩn cấp cứu nguy nền kinh tế, hạn chế mất cân bằng xã hội.

Đến nay, có khoảng 103 nước kêu gọi sự trợ giúp từ các nước và tổ chức quốc tế; và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hỗ trợ 63 nước với gói hỗ trợ lên đến 260 tỷ USD. Trong khi đó, các nước khác lại tung ra hàng loạt gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Phương Tây chi khủng

Tại Mỹ, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng là một phần của gói cứu trợ trị giá hơn 5.000 tỷ USD đã được thông qua vào tháng 3-2020. Chính phủ nước này đã hỗ trợ qua việc phát séc cho hàng triệu người, với mức 1.200 USD/người, thêm 1.200 USD cho người phụ thuộc, tùy thuộc mức thu nhập. Tổng số tiền của gói hỗ trợ này lên đến 2.200 tỷ USD. Quốc hội Mỹ cũng thông qua một gói kích thích tiêu dùng khác nằm trong một phần của gói đề xuất trị giá 3.000 tỷ USD.

Sử dụng ngân sách đối phó với Covid-19 - Bài 1: Các gói cứu trợ khổng lồ ảnh 1 Mỹ chi hơn 5.000 tỷ USD vực dậy nền kinh tế . Nguồn: Economic Times
Theo CNN, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một gia đình cũng được nhận 600 USD. Những người có thu nhập từ 99.000 USD/năm trở lên sẽ không được nhận trợ cấp. Cùng với đó, chi tiêu của Chính phủ Mỹ cũng tăng, với mức tăng 4%, lên 6.210 tỷ USD. Các khoản chi cho cả năm nay và năm ngoái phản ánh các gói hỗ trợ trị giá hàng ngàn tỷ USD để giữ cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái kéo dài. Chính phủ Mỹ đã cung cấp các khoản hỗ trợ cá nhân, trợ cấp thất nghiệp bổ sung cùng hàng tỷ USD các khoản vay có thể miễn trừ cho các doanh nghiệp nhỏ.


Không chậm chân, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói hỗ trợ 750 tỷ EUR, gồm 390 tỷ EUR hỗ trợ và số còn lại là khoản cho vay. Từng nước trong khối cũng đưa ra các gói hỗ trợ khác nhau. Pháp ban đầu phê duyệt gói hỗ trợ 45 tỷ EUR, sau đó tăng lên 110 tỷ EUR, gồm 20 tỷ EUR để giúp các công ty lớn - riêng hãng hàng không Air France KLM có gói hỗ trợ riêng. Giới chức Italy cho biết, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông qua gói biện pháp mới (cung cấp tem phiếu mua sắm, thực phẩm...) trị giá 4,7 tỷ EUR nhằm hỗ trợ những người bị dịch bệnh tác động nhiều nhất. Chính phủ sẽ chi 4,3 tỷ EUR cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ 400 triệu EUR cho những người khó khăn. Thủ tướng Conte hối thúc EU triển khai trái phiếu phục hồi và nhấn mạnh, thất bại khi đối mặt với tình huống khẩn cấp sẽ là một sai lầm bi thảm của khối này. EU cần có một công cụ nợ chung để thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế của toàn khu vực.

Đối với doanh nghiệp vừa và lớn, Chính phủ Đức dự định thiết lập một quỹ bình ổn kinh tế hơn 100 tỷ EUR. Quỹ bình ổn này sẽ bao gồm một gói bảo lãnh của chính phủ cho khoản vay ngân hàng lên đến 400 tỷ EUR. Ngoài ra, sẽ có các chương trình cho vay không giới hạn thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức KfW. Chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp cho họ các gói bảo lãnh trị giá hàng tỷ EUR và tiếp quản các khoản nợ hiện tại. Khi cuộc khủng hoảng qua đi, các doanh nghiệp này sẽ lại được tư nhân hóa. Các công ty tại Đức cũng được phép nộp chậm thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp không còn công việc để giao cho nhân viên, họ có thể chuyển sang chế độ rút ngắn thời gian làm việc. Bộ Lao động Đức sẽ chi trả 60% tiền lương đối với người lao động không có con và 67% đối với người lao động có con. Có khoảng 2,15 triệu người sẽ được cấp khoản cứu trợ này, tương đương 10,05 tỷ EUR, nhất là dành cho người làm trong các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử và dịch vụ khách sạn, nhà hàng… Cũng sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu người nhận trợ cấp thất nghiệp, tương đương với 10 tỷ EUR. Việc xem xét cấp các khoản tiền trợ cấp dành cho trẻ em sẽ được đơn giản hóa. Cha mẹ phải nghỉ ở nhà trông con sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ.

Phương Đông và Mỹ Latinh không lép vế

Tại Đông Á, để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành gói kích thích kinh tế hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp, trị giá khoảng 989 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Các biện pháp kích thích kinh tế bao gồm khoảng 54 tỷ USD phát cho các gia đình và chủ doanh nghiệp nhỏ bị giảm thu nhập vì dịch bệnh; khoảng 238 tỷ USD chi hỗ trợ giảm thuế và các phúc lợi xã hội cùng một số khoản vay với lãi suất 0% dành cho công ty tư nhân... Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, các bộ và cơ quan của chính phủ đã đề xuất ngân sách cho tài khóa 2022 lên đến 1.000 tỷ USD, đánh dấu mức cao kỷ lục trong năm thứ 4 liên tiếp do các chi phí an sinh xã hội và nợ công ngày càng tăng.

Con số trên cho thấy tổng ngân sách đề xuất ban đầu cho tài khóa tới có thể đã vượt qua ngân sách 969 tỷ USD trong tài khóa 2021, trong đó bao gồm hơn 454 triệu USD được để dành cho việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong kế hoạch ngân sách tài khóa, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội là bộ đề nghị mức ngân sách cao nhất, lên đến 3 tỷ USD. Điều này phản ánh chi phí cho chăm sóc y tế cũng như các chương trình an sinh xã hội khác tiếp tục tăng trong bối cảnh dân số ngày càng già đi. Trong khi đó, đề xuất chi phí trả nợ ở mức cao kỷ lục là 2,7 tỷ USD, tăng hơn 500 triệu USD so với ngân sách ban đầu của tài khóa 2021, bao gồm cả các khoản nợ ngắn hạn được phát hành vào năm 2020, khi Nhật Bản liên tiếp tung ra các gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình chịu tác động của đại dịch Covid-19, trong khi đề xuất chi tiêu công là 736 tỷ USD, lớn hơn so với mức 700 tỷ USD trong tài khóa hiện tại.

Quốc hội Brazil hồi đầu năm nay đã chấp thuận cho phép chính phủ nước này tiếp tục chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo khắc phục những tác động của đại dịch Covid-19 với ngân sách tương đương 8 tỷ USD. Biện pháp hỗ trợ trên được đệ trình cùng với một dự luật về cơ chế kiểm soát chi tiêu công, theo đó chính phủ đề xuất trợ cấp trung bình 50 USD mỗi người trong 4 tháng kể từ tháng 3 và có khoảng 32 triệu người trong diện được hưởng khoản trợ cấp trên. Dù vậy, con số này vẫn ở mức khiêm tốn so với khoản trợ cấp mà Chính phủ Brazil đã cấp trong năm 2020, khi có đến 68 triệu người, tương đương 1/3 dân số, được hưởng mức hỗ trợ khoảng 133,4 USD từ tháng 4 đến tháng 9 và sau đó giảm xuống khoảng 66 USD trong quý cuối cùng của năm 2020. Tổng số ngân sách mà chính phủ đã phải chi ra khoảng 45 tỷ USD, tương đương với 10% GDP của Brazil. Chính nhờ gói hỗ trợ trên mà nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh tránh được nguy cơ đổ vỡ, và mức suy giảm mà Brazil ghi nhận trong năm đầy khó khăn này chỉ ở mức 4,1%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra gói hỗ trợ khoảng 500 tỷ USD, gồm việc cắt giảm thuế, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích khác để góp phần tạo 9 triệu việc làm. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã 3 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường. PBOC cũng đã cung cấp thêm khoảng 254 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại để tăng khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Ngoài gói hỗ trợ 750 tỷ EUR, Chính phủ Đức dự kiến tiếp tục đưa ra gói kích thích bổ sung để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Berlin đã đưa ra các giải pháp cứu trợ, hỗ trợ tài chính trực tiếp dành cho doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, người kinh doanh tự do, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, các điều dưỡng viên - nói chung là những người không nằm trong diện được vay vốn, được nhận trực tiếp 9.000-15.000 EUR trong 3 tháng. Chính phủ Đức dành cho nhóm đối tượng này khoản cứu trợ 50 tỷ EUR.

Tin cùng chuyên mục