Sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa phục vụ dân

Nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất cho hệ thống các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân từ cơ sở đến quận huyện và TP. 

Ở các địa bàn phường, xã, thị trấn có khu vui chơi, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, tủ sách, thư viện… Nhiều địa phương còn phát triển thiết chế văn hóa này tới tận các khu phố, ấp, khu dân cư với đủ các loại hình sinh hoạt văn hóa, thể thao. Còn ở các quận, huyện thì có các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa thiếu nhi, thư viện, phòng đọc sách, cũng được đầu tư khá lớn nhân lực và cơ sở vật chất. Thế nhưng, thực tế trong nhiều năm qua các thiết chế văn hóa của hệ thống các nhà văn hóa lao động, nhà văn hóa phụ nữ, nhà văn hóa sinh viên, nhà văn hóa thiếu nhi từ thành phố đến các quận huyện hoạt động thiếu sự kết nối, chuyển tải, phát triển các giá trị văn hóa của giới, ngành và sự hưởng thụ của người dân. Nhiều nhà văn hóa ở một số quận huyện chỉ còn là cái vỏ bên ngoài, còn hoạt động ở bên trong rất cầm chừng, không còn ý nghĩa của việc phục vụ công chúng, người dân ở cơ sở. Các góc, điểm sinh hoạt văn hóa ở khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn, rồi các trung tâm văn hóa quận huyện, các loại hình văn hóa, thể thao, đội nhóm cũng trong tình trạng tương tự.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị cần sớm xây dựng đề án quy hoạch phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở. Nền tảng các thiết chế văn hóa chúng ta đã có từ nhiều năm qua, giờ nên quy hoạch lại theo hướng tập trung ở một số khu vực, thay vì tính theo ranh giới, địa giới hành chính như trước kia. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, có thể 2, 3 quận huyện hình thành một trung tâm lớn với các loại hình văn hóa, thể thao hoạt động. Các trung tâm văn hóa, thể thao nhỏ lẻ thì giao cho cá nhân hay một tổ chức, đơn vị có chức năng nào đó quản lý, khai thác. Còn lại là hình thành một số trung tâm lớn, ở những khu đất lớn để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các loại hình văn hóa giải trí, thể thao phục vụ nhu cầu của một bộ phận lớn cư dân trong khu vực, như ở TP Thủ Đức, các quận trung tâm thành phố chẳng hạn. Cần có những cơ sở cấp 2, 3 bên dưới các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao của quận huyện hay khu vực trung tâm. Các trung tâm văn hóa, thể thao cấp thành phố phục vụ cho cư dân địa phương trong khu vực…

Trong khi đó, ở nhiều nơi, cơ sở vật chất lại đem cho thuê, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Đó là bài toán mà ngành văn hóa thể thao thành phố cần tính lại trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục