Sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững

Đó là nội dung được đưa ra tại Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững trong khuôn khổ Hội nghị APEC.
Gia cố đê bao để bảo vệ lúa tại Long An. Ảnh: KIẾN VĂN
Gia cố đê bao để bảo vệ lúa tại Long An. Ảnh: KIẾN VĂN
Ngày 24-8, Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục ngày làm việc thứ 7 với cuộc Đối thoại giữa các Bộ trưởng các nền kinh tế thành viên APEC và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc đối thoại.
Cùng dự có Bộ trưởng và một số lãnh đạo các bộ phụ trách về nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC kiêm Chủ tịch diễn đàn CEO của APEC. Khoảng 150 đại biểu đại diện của các nền kinh tế APEC đã tham dự.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc tổ chức cuộc đối thoại này, giúp khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực cũng như những cam kết chung về việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan trong nỗ lực ứng phó với những vấn đề chung như an ninh lương thực, tình trạng khan hiếm tài nguyên và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). 
Trao đổi về định hướng của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn. Đó là: Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và là ngành chịu tác động nặng nề do BĐKH. Để đối phó với những thách thức trên, duy trì sự phát triển và nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền nông nghiệp, Việt Nam đang triển khai Chương trình Tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH.
Trong tiến trình phát triển này doanh nghiệp có vai trò quan trọng, giúp huy động được mọi nguồn lợi xã hội, bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm sử dụng nguồn lợi hiệu quả và tiết kiệm, giảm thất thoát và lãng phí lương thực...  Cùng ngày, trong khuôn khổ tuần lễ APEC Cần Thơ đã diễn ra một số cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương của  lãnh đạo Bộ NN-PTNT với các đối tác.
Tại cuộc gặp, làm việc giữa Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn và Thượng nghị sĩ Anne Ruston, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia,  hai bên đã ký kết “Bản Ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định” nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Tin cùng chuyên mục