Sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông

Tại phiên họp của Ủy ban Chính trị AIPA 41, đại biểu đã nghe các báo cáo của Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 9, 10, 11 và báo cáo về Cuộc gặp Lãnh đạo ASEAN-AIPA lần thứ 30, 34, 36 trong 3 năm qua và thảo luận về chủ đề ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Chính trị AIPA 41
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Chính trị AIPA 41

Tại phiên họp của Ủy ban Chính trị với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN” bằng hình thức trực tuyến trong khuôn khổ Đại hội hội đồng AIPA 41, các nghị viện thành viên đều đồng thuận đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trong hơn 43 năm qua, AIPA ngày càng đổi mới, có vai trò quan trọng, luôn ủng hộ và đồng hành cùng ASEAN trong tiến trình hội nhập, xây dựng, phát triển Cộng đồng ASEAN, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ hoan nghênh nội dung nghị sự của Ủy ban Chính trị mang tính bao trùm, toàn diện, góp phần vào tầm nhìn của AIPA hướng tới nền hòa bình bền vững trong khu vực và trên thế giới, vì sự thịnh vượng cho mọi người dân.

Tại phiên họp, đại biểu đã nghe các báo cáo của Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 9, 10, 11 và báo cáo về Cuộc gặp Lãnh đạo ASEAN-AIPA lần thứ 30, 34, 36 trong 3 năm qua và thảo luận về chủ đề ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN.

Theo ông Bùi Thanh Sơn- Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, người điều hành phiên họp này, các nghị viện thành viên AIPA đã cam kết nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nghị viện, phối hợp giữa các quốc gia; giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và trật tự cấu trúc khu vực bảo đảm minh bạch dựa trên luật lệ, lấy ASEAN làm trung tâm.

Đặc biệt, đối với vấn đề Biển Đông, các nghị viện thành viên đồng tình với việc tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Đại diện các nghị viện cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ, tăng cường năng lực của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Tin cùng chuyên mục