Sự bấp bênh của tiền điện tử

Sàn giao dịch tiền điện tử FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, với tổng số nợ phải trả lên tới 50 tỷ USD, được cho là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực tiền điện tử. Đây cũng tiếp tục là sự cảnh báo cho những người đầu tư tiền điện tử tại Việt Nam khi chưa được pháp luật công nhận. 

Vào tháng 5-2022, FTX chính thức vượt mặt Coinbase trở thành sàn giao dịch tiền điện tử mã hóa (crypto) lớn thứ 2 thế giới về thị phần. Nhưng đến ngày 11-11-2022, FTX chính thức nộp đơn xin phá sản.

Sự sụp đổ của FTX gây ra nhiều hậu quả, khi hàng trăm ngàn nhà đầu tư đang không biết làm thế nào để lấy lại hàng tỷ USD vốn liếng vì FTX đang bị phong tỏa tài sản và điều tra trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, không ít người đã mua đồng FTT - là tiền điện tử của sàn FTX, cũng lên mạng “kêu khóc” vì chung số phận. 

Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng tiền điện tử cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Nigeria. Với hàng triệu USD được giao dịch mỗi tháng, các sàn giao dịch tiền điện tử đang là miếng mồi ngon với tội phạm mạng. Đồng thời nguy cơ bị mất tiền khi các sàn giao dịch bị “sự cố” như FTX hiển hiện khá rõ.

Các hành vi gian lận trên giao dịch điện tử liên quan đến tiền điện tử rất đa dạng và tinh vi, như thu thập thông tin của nhà phát triển và nhà đầu tư; tấn công bằng phần mềm độc hại, lừa đảo, điều hướng đến website giả, đánh cắp khóa bảo mật ví điện tử… Các công ty bảo mật công nghệ từng cảnh báo, khi bị tấn công lừa đảo tiền điện tử, nhà đầu tư có nguy cơ lớn bị mất tiền; còn khi sàn sập thì nhà đầu tư đừng mong lấy lại tiền! 

Trở lại nguyên nhân vụ việc FTX bị sập sàn, giới đầu tư tiền số cho rằng FTX đã đánh giá thấp lượng tiền cần thiết để duy trì sàn, khi tự ý lấy hàng tỷ USD tài sản để chuyển sang một công ty khác cho mục đích đầu tư và thâu tóm những dự án khác. Sau thông tin đó, người tham gia đầu tư sàn này đồng loạt rút tiền khiến giá của FTT giảm tới 75% trong một ngày, tài sản thế chấp của FTX không đủ để chi trả cho giao dịch… là nguyên nhân dẫn đến phá sản của sàn FTX và đồng FTT dần không còn giá trị. 

Ở kỷ nguyên của blockchain, tiền điện tử tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới, lượng người lao vào nó khó có thể thống kê đầy đủ. Ở Việt Nam cũng vậy, không ít người mơ ước làm giàu nhanh chóng từ cuộc chơi tiền điện tử, bất chấp những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, của cơ quan quản lý nhà nước… Sàn giao dịch tiền điện tử FTX “chết cứng”, đồng FTT không còn giá trị là minh chứng cho sự bấp bênh của tiền điện tử hiện nay.

Tin cùng chuyên mục