Sống xanh bắt nguồn từ giáo dục

Từ tháng 8-2018, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Hùng Lekima) bắt đầu đi xuyên Việt chụp rác thải nhựa với tên gọi hành trình “Save our Seas”. Mỗi bức ảnh mà anh có được trong hành trình của mình đều gây ấn tượng với người xem bởi hình ảnh nhiều bãi biển trên khắp cả nước đang bị “bức tử” bởi rác thải. 

Chúng tôi cùng trò chuyện với anh xung quanh hành trình và ý niệm “sống xanh” mà anh đang theo đuổi.  

Sống xanh bắt nguồn từ giáo dục ảnh 1 Mưu sinh trên bãi biển đầy rác ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: HÙNG LEKIMA
PHÓNG VIÊN: Vì sao anh chọn chủ đề “rác thải nhựa”?

Nhiếp ảnh gia NGUYỄN VIỆT HÙNG: Có thể nói, rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đe dọa tương lai của nhân loại. Theo một thống kê, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. Là người đã đi hết tất cả các tỉnh thành ven biển của đất nước do đặc thù công việc và đam mê của cá nhân, tôi nhận thấy môi trường nói chung và biển Việt Nam nói riêng đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh do rất nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do nhận thức của đa số người dân về môi trường biển và gìn giữ môi trường biển còn hạn chế. 

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã có lộ trình rõ ràng với chương trình hành động mạnh mẽ để giảm rác thải nhựa thì ở Việt Nam, điều này lại chưa rõ ràng. Tôi muốn thông qua hành trình Save our Seas, đi dọc bờ biển đất nước để ghi lại và truyền tải những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng rác thải nhựa, nhằm giúp mọi người có thể hình dung điều gì đang xảy ra và hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì. 

 Ắt hẳn, anh đã có những trải nghiệm đáng nhớ?  

Trải nghiệm đáng nhớ của tôi nhiều lắm. Tôi cũng gặp những nỗi sợ trên đường đi, như có lần 2 bên “gầm ghè” chờ đợi nhau ở bờ biển hoang vắng khi bên kia là chiếc xe tải tính đổ rác ra biển, còn bên này lăm lăm đồ nghề để chụp hình. Hay như khi tôi ghé qua xã Bình Châu, nơi có cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) để ra đảo Lý Sơn. Tôi thấy rác đầy đường và người dân hồn nhiên xả rác ra cửa biển. Tôi có hỏi nhiều người dân nơi đây là tại sao không cho vào thùng rác. Họ bảo thùng rác duy nhất có trong cảng Sa Kỳ mà thôi, còn nơi đây không có thùng rác. “Cửa biển chính là bãi đổ rác”. Câu nói đó làm tôi tò mò đi khắp xã và tôi thấy các biển hiệu tuyên truyền vì môi trường cực nhiều nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy thùng rác. Ở chợ nổi Cái Răng cũng vậy, những ngôi nhà không có thùng rác. “Tất cả được ném hết xuống sông” - đó là câu trả lời từ trẻ con cho tới người lớn. 

Có những người chỉ đi xả rác, nhưng cũng có những người lại đi nhặt rác thải nhựa. Đến cảng cá ở cửa sông Ninh Cơ - Nam Định đổ ra biển, tôi bắt gặp bác Nguyễn Thị Vận mang các túi ni lông ra giặt. Bác nói do nghèo nên phải tận dụng mọi thứ, trong đó có túi ni lông. Tàu thuyền về cảng, bác lại ra xin cá về ăn, hoặc bán kiếm thêm chút thu nhập. Khi nào gặp cá bé, bị hư hao, có thể chủ tàu cho 1-2 con. Bác giặt túi ni lông còn lành lặn để sử dụng lại, trong đó có dùng để đựng cá… Vậy đó, những thứ bạn vứt bỏ đôi khi là điều quý giá đối với người khác. 

Là người theo xu hướng sống xanh, từ quan điểm cá nhân, anh hãy đánh giá mức độ nhận thức của xã hội về môi trường, về sống xanh?

"Với hành trình Save our Seas, tôi dùng chiếc xe máy chở theo ba chiếc thùng gồm chủ yếu vật dụng cá nhân và đồ nghề máy ảnh, kèm theo là flycam, máy quay chụp dưới nước nhỏ xinh (GoPro), đèn và các dụng cụ cần thiết khác. Đường đi nhiều đoạn khó khăn và di chuyển cả trên cát nên ngoài đèn pin, túi sơ cứu, tôi còn chuẩn bị một chiếc còi luôn đeo trên cổ, nếu không may bị làm sao có thể dùng nó để kêu cứu…"- Nhiếp ảnh gia NGUYỄN VIỆT HÙNG

Tôi nghĩ, ý thức và nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Và ở đâu đó, vẫn còn sự lơ là trong công tác quản lý của chính quyền địa phương về môi trường. Ngoài ra, trách nhiệm của các doanh nghiệp liên quan tới rác thải nhựa còn chưa cao. Tất nhiên cũng bởi khung pháp lý cho rác thải nhựa đại dương chưa có, vẫn còn là điều mới mẻ ở nước ta.

Sống xanh có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không phải hy sinh hay ảnh hưởng đến việc thế hệ tương lai có thể sử dụng các tài nguyên. Đây cũng là khái niệm mới mẻ với đại đa số người dân. Nó không thể có được trong một sớm một chiều mà phải bắt nguồn từ giáo dục cho các bạn nhỏ từ bé. 

Cách sống xanh lý tưởng, theo anh là gì?

Cách sống giúp giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của trái đất và gây ra ít tác động nhất với môi trường từ thói quen sinh hoạt của chúng ta không phải ai cũng hiểu và ủng hộ. Nhất là tâm lý mình bỏ tiền ra mua thì cứ việc tiêu xài thôi, không ảnh hưởng đến ai. 

Những năm qua tôi có mở group “Cho trẻ về thiên nhiên”, tổ chức cho các bạn nhỏ các chuyến dã ngoại, với hy vọng: Khi khoảng cách giữa con người và thiên nhiên càng ngắn lại, tự khắc chúng ta sẽ biết yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm. Đó là cách làm của tôi. Còn dự án Save our Seas chụp về rác thải nhựa của tôi cũng là 1 trong những khía cạnh của sống xanh. “Chúng ta không chỉ tiết kiệm được tiền bạc cho gia đình mà còn tiết kiệm tài nguyên cho trái đất trong mỗi hành động nhỏ bé để giảm thiểu rác thải nhựa”, đó là thông điệp mà tôi hướng tới.

Tin cùng chuyên mục