Sống tạm trong khu tạm cư

Từ nhiều năm qua, hàng chục hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ, thiếu thốn ở khu tạm cư thuộc phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TPHCM). Nhà cửa dột nát nhưng người không được sửa chữa, điều kiện sinh hoạt cũng thiếu trước hụt sau. 
Các hộ dân trong khu tạm cư, phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TPHCM)
Các hộ dân trong khu tạm cư, phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TPHCM)

Nhà cửa chật hẹp, xuống cấp

Tại số 41 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B (TP Thủ Đức) là khu tạm cư đã tồn tại hàng chục năm nay. Nếu không quan sát tấm bảng cũ với dòng chữ phai màu “khu tạm cư và nhà cho thuê” bị che khuất thì dễ nhầm dãy nhà cấp 4 này là khu trọ bình dân. Khu tạm cư là 2 dãy nhà cấp 4 thấp lè tè, lụp xụp, ở giữa là khoảng sân hẹp. Đây là nơi ở của hàng chục hộ dân có nhà đất bị giải tỏa, thu hồi trên địa bàn TP Thủ Đức. Trời nắng gắt nhưng trong môi trường tập thể chật hẹp, nhà nhà đều đóng kín cửa để phòng chống dịch Covid-19. Sân không một bóng người, hơi nóng từ mái tôn phả xuống hầm hập. 

Hơn chục năm nay, cuộc sống trong khu tạm cư cứ lây lất chưa biết ngày kết thúc. Trước khi vào khu tạm cư, các gia đình đều có vườn tược, nhà cửa khang trang rộng rãi. Gia đình ông Lê Xuân Trường có quán cà phê mặt tiền đường Lê Văn Việt (phường Tăng Nhơn Phú) diện tích 2.400m2. Năm 2006, Nhà nước giải tỏa khu nhà lấy đất làm Khu Công nghệ cao, gia đình ông vào khu tạm cư từ đó. Từ chỗ nhà, quán cà phê rộng khang trang, nhiều năm qua, 7 người trong gia đình ông Trường phải sống chen chúc trong căn nhà chừng 26m2.

Hay trường hợp gia đình ông Nguyễn Xuân Ngữ từng có khu nhà vườn rộng 3.600m2 nhưng sau khi bị giải tỏa đã vào khu tạm cư sống hơn 10 năm nay. “Khu nhà nóng quá, quạt máy quay suốt khô cả người vẫn không giảm được hơi nóng. Nhà cửa, hạ tầng xuống cấp, điều kiện sống hạn hẹp mà đi không được, ở không xong”, ông Ngữ buồn bã. 

Linh động gỡ khó cho người dân

Trong khi hàng chục gia đình tại phường Tăng Nhơn Phú phải sống lây lất trong khu tạm cư cũ nát thì tại phường Bình Khánh (TP Thủ Đức) còn dư thừa trên 5.000 căn hộ tái định cư, nhiều năm qua để trống. Đây là khu vực trung tâm đô thị mới, nơi mà nhiều người mơ ước được an cư.

Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là người bị thu hồi đất phải có chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Điều này cũng đã cụ thể hóa, xuyên suốt trong Luật Đất đai qua các giai đoạn. Luật Đất đai 2013 tại Điều 85 quy định: “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư”. Thế nhưng, do biện pháp chế tài chưa đủ mạnh và đơn vị thẩm quyền thiếu trách nhiệm nên để xảy ra nơi thừa nơi thiếu, khiến tình trạng tạm cư kéo dài.

Theo luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM), việc để tồn tại tình trạng tạm cư kéo dài do sự thiếu linh hoạt của chính quyền cấp quận huyện, cụ thể khu tạm cư nói trên thuộc trách nhiệm của TP Thủ Đức. Để giải quyết tình trạng khó khăn của người dân bị giải tỏa nhà, đất, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 10/2020 quy định về mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn TPHCM. Ngoài những quy định về phạm vi áp dụng, đối tượng, điều kiện để tính hỗ trợ chi phí tạm cư, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, Điều 6 của Quyết định 10 quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp quận huyện là “chỉ đạo hội đồng bồi thường của các dự án trên địa bàn phải chuẩn bị đủ quỹ nhà ở, đất ở tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án… Việc bố trí tạm cư chỉ là hạn hữu, chỉ thực hiện đối với những trường hợp đặc biệt”. 

“Những quy định về chế độ, chính sách đối với đối tượng tạm cư đã cụ thể, chi tiết nhưng điều cần bổ sung là luật hóa thời gian tạm cư, không thể để kéo dài. Do đó cần có văn bản quy phạm pháp luật để linh động tháo gỡ khó khăn cho những khu tạm cư đã kéo dài từ nhiều năm qua”, luật sư Đoàn Quang Xuân nhìn nhận.

Theo ông Trần Văn Mau, Chủ tịch UBND phường Phước Long B (TP Thủ Đức), cuộc sống người dân trong khu tạm cư vốn khó khăn từ lâu. Trong tình hình nắng nóng, dịch bệnh hiện nay, người dân trong khu tạm cư chia sẻ khó khăn với chính quyền để chống dịch. Phường sẽ sớm tổ chức kiểm tra điều kiện sinh hoạt của người dân và đề xuất cấp trên có biện pháp hỗ trợ kịp thời. 

Tin cùng chuyên mục