Sống sót ở Kabul

Vào một buổi sáng đầu đông, khi thành phố vẫn còn chìm trong bóng tối, nhiều cậu bé tụ tập tại một điểm thường ngày ở một bãi rác. 

Mỗi đứa mang một bao tải đay trống và sẽ đầy phồng lên khi màn đêm buông xuống. Thủ đô 6 triệu dân của Afghanistan ngày nay đầy các trung tâm mua sắm mới và các tòa nhà chung cư. Nhưng nó cũng còn quá nhiều những người nghèo đang tuyệt vọng. Những người sống bên lề cuộc sống đô thị đã tồn tại bằng mọi cách mà họ có thể. Họ có thể là anh em ruột, anh em họ hàng hoặc hàng xóm, phần lớn từ 8 đến 14 tuổi. Chúng chia nhau lang thang trên các con đường như những đội quân nhỏ. Chúng trốn tránh cảnh sát và tay luôn cầm đá để tiện đuổi chó khi bị đe dọa.

Chiến tranh đã đeo đẳng những cậu bé này kể từ khi chúng được sinh ra. Một số trong chúng tiếp tục lớn lên ở Pakistan, nơi gia đình chúng tháo chạy khỏi cuộc nội chiến và sự đàn áp của Taliban. Một số người bị cuốn theo các cuộc xung đột từ các ngôi làng nông thôn Afghanistan. Rồi gia đình chúng đến Kabul mà không có công việc, người thân hay nguồn giúp đỡ. Có rất ít các ông bố có việc làm chính thức. Một số người vác đồ nghề đi làm công nhân xây dựng chỉ kiếm được 4 USD mỗi ngày. Thậm chí trong thời tiết giá lạnh, kiếm một cơ hội để phụ khuân gạch cũng là rất khó. Thường thì thu nhập của một ngày duy nhất là từ những gì các cậu bé thu nhặt được tại bãi rác.

Gia đình của Mánour, 15 tuổi, đã di cư từ tỉnh Laghman 4 năm trước sau khi ngôi làng của họ bị Taliban xâm chiếm. Giờ đây, họ thuê một căn nhà tồi tàn, ở cùng với 2 gia đình khác với giá 100USD một tháng. Cậu bé đang là học sinh trường công và tận dụng 3 tháng nghỉ đông để nhặt rác. Cậu muốn trở thành bác sĩ một ngày nào đó nhưng gia đình bây giờ là ưu tiên của cậu. Mỗi tuần một lần, cậu bé cùng mấy đứa khác tập hợp lại ở một bãi rác để bán các phế liệu mà chúng đã gom được trong tuần. Tùy thuộc vào vật liệu, số tiền thu về chẳng đáng là bao.

Đối với Samiullah, 12 tuổi, cuộc sống thậm chí còn bấp bênh hơn. Gia đình bé gồm 13 người chạy trốn khỏi cuộc chiến ở tỉnh Takhar đến Kabul. Cha cậu, Niaz Mohammed, đã dựng một túp lều trên một mảnh đất trống của chủ để cả nhà sống và nuôi dê cho chủ. Chủ nhà cho phép gia đình Samiullah sống ở đó và hàng tháng trả một số tiền công chăn dê rất nhỏ. Một người hàng xóm chia sẻ nước giếng và cho mắc một bóng đèn vào ban đêm. Hầu hết mọi thứ trong nhà Samiullah là đồ đi nhặt nhạnh về. Cà rốt và bắp cải cho dê ăn cũng do cha cậu nhặt ở các nhà hàng…

Theo Washington Post, gần như các hoạt động từ thiện đều đến từ các cơ quan quốc tế, và phần lớn trong số đó dành cho những người tị nạn trở về từ Pakistan và Iran, hoặc dành cho các gia đình ở vùng nông thôn phải đi lánh nạn bởi chiến tranh hoặc hạn hán. Mùa đông này, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cung cấp thực phẩm và tiền mặt cho khoảng 70.000 người nghèo ở Kabul. Theo Zlatan Milisic, giám đốc chương trình tại đây, năm 2018, WFP đã hỗ trợ hơn 5 triệu người Afghanistan. Nhưng với 13 triệu người còn đang thiếu lương thực, WFP có thể bắt đầu từ đâu?

Tin cùng chuyên mục