Sống mòn ở dự án triệu đô

Năm 2008, UBND Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất 2.532 hộ dân tại xã Long Hưng, trong đó 1.130 hộ bị giải tỏa trắng, 1.142 hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. 
Khu tái định cư của dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng đang xuống cấp
Khu tái định cư của dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng đang xuống cấp
Cho rằng dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng (TP Biên Hòa, Đồng Nai) có tổng kinh phí dự trù khoảng 12 triệu USD do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop) làm chủ đầu tư có quá nhiều khuất tất và chưa xem xét thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người dân, nên từ nhiều năm qua, đã có nhiều kiến nghị của cử tri cùng đơn kêu cứu, khiếu nại, tố cáo của người dân Long Hưng gửi đến các cơ quan chức năng… 
Rơi vào cảnh khốn khó
Năm 2008, ông Phan Văn Hoa (59 tuổi, ấp An Xuân) được gọi ra trụ sở UBND xã Long Hưng để nghe phổ biến về Dự án (DA) Khu đô thị sinh thái kinh tế mở (KĐT) Long Hưng. Sau đó ít lâu, chính quyền cho người kiểm đếm tài sản và đất đai của gia đình ông Hoa. Toàn bộ nhà đất diện tích 1.700m2 và cây trái, ao cá được bồi thường 854 triệu đồng. Cho rằng giá bồi thường quá thấp nên ông Hoa không đồng ý nhận tiền, không đồng ý giao đất, nhưng ngày 19-10-2011, chính quyền địa phương vẫn cưỡng chế, giao đất cho chủ đầu tư. 
Kể từ ngày bị cưỡng chế, mấy đứa con ra ở trọ hoặc tá túc nhà người quen, còn ông Hoa dựng một căn chòi trên đất ruộng của người hàng xóm chưa bị giải tỏa để ở và hàng ngày cùng người dân địa phương gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. “Tôi cương quyết không ký giấy nhận bồi thường, không tiếp tay DA sai. Bởi đây là DA tư nhân, thu lợi cá nhân nhưng lại áp đặt giá đền bù rẻ mạt...”, ông Hoa bức xúc.
Tương tự, năm 2012, bà Trần Thị Thu (ấp Phước Hội) cũng bị thu hồi đất để phục vụ DA, tuy nhiên số tiền bồi thường quá ít không đủ xây nhà tái định cư, nên cả gia đình bà đành đi ở trọ, rồi cất chiếc bè nhỏ chừng 15m2 sống lênh đênh trên sông nước. Từ chỗ có nhà cửa đàng hoàng trên đất liền, giờ đây cả gia đình bà Thu phải ăn ở trong chiếc bè dựng bạt tuềnh toàng, sống dựa vào khoảng 10kg gạo trợ cấp từ chính quyền và đi mò cua, bắt cá... 
Dự án có nhiều sai phạm
DA KĐT Long Hưng được hình thành vào thời điểm cả nước rộ lên trào lưu tìm kiếm các dự án bất động sản “gần gũi thiên nhiên”. Giữa năm 2006, DonaCoop có công văn gửi cơ quan chức năng tỉnh và Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai xin chủ trương lập DA liên doanh đầu tư dự án khu dân cư và khu du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai. Đầu năm 2007, DonaCoop đã được UBND tỉnh này chấp thuận làm chủ đầu tư lập quy hoạch chung xây dựng xã Long Hưng tỷ lệ 1/5000.
Theo ông Nguyễn Thành Ngọc, Chủ tịch UBND xã Long Hưng, đợt 1 đã có khoảng 600 hộ dân bị thu hồi đất. Năm 2018 sẽ tiếp tục thu hồi đất, giải tỏa khoảng 400 hộ dân tiếp theo… 
Cùng trong ngày 22-10-2007, DonaCoop và Chủ tịch UBND huyện Long Thành (khi đó Long Hưng chưa sáp nhập về TP Biên Hòa) có tờ trình đề nghị phê duyệt bản quy hoạch. Chưa đầy 2 tuần sau, ngày 9-11-2007, Sở Xây dựng tỉnh có tờ trình đề nghị phê duyệt bản quy hoạch. 4 ngày sau, UBND Đồng Nai ban hành quyết định phê duyệt bản quy hoạch trên. Theo đó, toàn bộ xã sẽ biến thành KĐT Long Hưng gồm 3 DA: Đồng Nai Water Front (366,7ha), Aqua City (304,9ha), Khu dân cư Long Hưng (227,7ha).
 Năm 2008, UBND Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất 2.532 hộ dân tại xã Long Hưng, trong đó 1.130 hộ bị giải tỏa trắng, 1.142 hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Dù đây không phải là DA công ích, người dân vẫn bị áp giá đền bù với mức rất thấp, có nơi chỉ 35.000 đồng/m2.
Theo người dân thì trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không hề có DA KĐT Long Hưng, vì vào đầu năm 2010, Bộ Xây dựng cũng có văn bản khẳng định: “DA khu đô thị mới có quy mô sử dụng 200ha trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”. Điều này có nghĩa Đồng Nai khi đó đã cấp phép trái thẩm quyền. Bộ Xây dựng cũng lưu ý “khu đô thị quy mô sử dụng đất từ 200ha trở lên là dạng hoạt động kinh doanh đặc thù và có nhiều điểm khác, như sử dụng diện tích đất lớn, liên quan đến nơi sinh sống hàng vạn người dân và các lĩnh vực khác như giáo dục, thể thao, y tế, văn hóa và việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn phải đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp về kiến trúc, quy hoạch, kết nối hạ tầng khu vực…”.
Vào cuối tháng 3-2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng, yêu cầu UBND Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm việc cấp phép đầu tư DA. Văn bản này vẫn cho phép tiếp tục triển khai DA trên, nhưng yêu cầu “phải thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ, thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.
Chỉ đạo của cấp trên là vậy, nhưng đến nay quyền lợi của người dân Long Hưng vẫn đang bị lãng quên.
Liên quan đến DA KĐT Long Hưng, ngày 11-4, Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai thuộc Tổng Cục Quản lý đất đã gửi văn bản đề nghị Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai kiểm tra làm rõ thông tin phản ánh của người dân, như DA trái luật, bồi thường rẻ mạt, dự án quy mô 300ha nhưng mở rộng thành 1.000ha... để xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai trước ngày 31-5.

Tin cùng chuyên mục