Sống khổ bên những trại heo gây ô nhiễm

Tại tỉnh Bình Phước, hàng loạt trại heo phía đầu nguồn thuộc khu vực biên giới đang bất chấp phản ứng của người dân, xả thải gây ô nhiễm môi trường sống các khu dân cư. Vấn đề nhức nhối này cũng làm “nóng” các phiên chất vấn HĐND tỉnh, tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, khiến cử tri trong tỉnh càng bức xúc.
Trại heo Phước Thiện (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm
Trại heo Phước Thiện (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm

Tỉnh Bình Phước có 95 dự án trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 2 huyện Lộc Ninh và Bù Gia Mập có đến 59 trại chăn nuôi heo đang hoạt động và 12 trại đang xây dựng. Trong đó, 49 trại đảm bảo khoảng cách đến khu dân cư là 300m, 22 dự án có khoảng cách 1.000m theo quy định của UBND tỉnh Bình Phước đã đề ra. 

Ghi nhận của PV Báo SGGP ở 3 xã Phước Thiện, Thiện Hưng và Hưng Phước (huyện Bù Đốp) có đến 16 trại heo, trong đó 13 trại đã đi vào hoạt động với quy mô ít nhất 12.000 con heo/trại. Công suất xả thải thấp nhất cho mỗi trại là 100m3 nước rửa chuồng/ngày đêm. Các trại còn lại, hệ thống xử lý nước thải đều quá tải nên tràn ra môi trường, bốc mùi hôi thối.

Riêng khu 134, thuộc ấp 10 Mẫu, xã Phước Thiện nằm ở đầu nguồn sông Đắk Quýt có đến 2 trại heo với quy mô 12.000 con/trại, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017, đã phát tán mùi hôi bao vây cả ấp. “Mỗi khi trại heo xả chuồng, bà con gần đó phải bỏ vườn đi nơi khác vì mùi nồng nặc không thể chịu nổi”, anh T.Đ.T - người sống gần trại heo cho biết. 

Trang trại heo của Công ty An Phú Khánh (tọa lạc tại thôn Bình Tiến 1, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) cũng đang gây bức xúc vì xả thải ồ ạt ra môi trường. Trước thực trạng trên, Sở TN- MT đã yêu cầu bơm toàn bộ lượng nước thải trong các hồ đất cũ về hệ thống nước thải để xử lý; thường xuyên vận hành hệ thống xử lý nước thải, gia cố, vệ sinh các hồ chứa đảm bảo không để nước thải chảy tràn ra môi trường.

Tuy nhiên, Công ty An Phú Khánh vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường ở cuối tường rào phía Tây; phía sau trại đọng nước phân heo và rò rỉ ra bên ngoài; phía Bắc khu xử lý chất thải bốc mùi thối nồng nặc. Vị trí chăn nuôi cách khu dân cư khoảng 300m, nếu không giải quyết dứt điểm thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống nơi đây.

Trong năm 2019, Sở TN-MT đã xử phạt hành chính 5 đơn vị (Công ty TNHH Chăn nuôi Nam Khánh, Công ty TNHH Chăn nuôi Hà Nguyễn, Công ty TNHH Chăn nuôi Vạn Phúc Đạt, Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc An và Công ty TNHH Nông nghiệp Làng Sen Việt Nam) với tổng số tiền 928 triệu đồng.

Đáng chú ý, trại heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc An (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) đang gây ô nhiễm nghiêm trọng khi nước thải trong quá trình tắm heo của các trại này theo lỗ thủng tràn ra môi trường, thấm vào đất. Một vài thửa ruộng của người dân gần nơi xả thải phải bỏ hoang vì cái màu nước đen ngòm, đặc quánh kia. Có hộ đành bán đất cho chính chủ trại heo để đi nơi khác sinh sống, vì không thể chịu nổi sự ô nhiễm.

Mới đây, tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Bình Phước khóa IX, đại biểu Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định, Sở TN-MT cần trực tiếp đến khu vực bà con bị ảnh hưởng để có thể thấy ô nhiễm và xử lý quyết liệt chứ không dừng lại ở biện pháp phạt hành chính như hiện nay. Các đại biểu đề nghị giám đốc sở đánh giá rõ thực trạng này, cho biết vai trò quản lý và trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm môi trường, giải pháp của ngành trong thời gian tới.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Phước Lê Hoàng Lâm cho biết, thời gian tới sở sẽ có những giải pháp, biện pháp kiên quyết hơn để xử lý các trang trại vi phạm nhiều lần, có thể yêu cầu đình chỉ, dừng hoạt động. Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy định đối với các cơ sở có lượng xả thải trên 300m3/ngày đêm trở nên phải lắp đặt quan trắc nước thải tự động để liên tục theo dõi, giám sát; khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát các trại heo tại địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường.

Tin cùng chuyên mục