Song hành chống ngập với phát triển đô thị

Đưa quy hoạch thủy lợi và quy hoạch chống ngập vào quy hoạch chung xây dựng của TPHCM sẽ giúp TP chủ động hơn trong việc phòng chống ngập lụt, cũng như tránh chồng chéo các dự án đầu tư.
Thi công công trình chống ngập có tính yếu tố biến đổi khí hậu trên kênh Tẻ. Ảnh: CAO THĂNG
Thi công công trình chống ngập có tính yếu tố biến đổi khí hậu trên kênh Tẻ. Ảnh: CAO THĂNG
Thiếu 2 lĩnh vực “nóng”
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 (vào năm 2001) và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (năm 2008). Đến năm 2014, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp TP. Vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, nhưng đồ án này thiếu nội dung quy hoạch thủy lợi và chống ngập úng, trong khi đây là 2 vấn đề rất “nóng” đối với TP hiện nay (theo kịch bản biến đối khí hậu và nước biển dâng, do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, thì đến 17,84% diện tích TPHCM sẽ bị ngập do tác động của biến đổi khí hậu).
Theo ông Hồ Long Phi - chuyên gia về quản lý nước, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP chủ yếu ở khu vực nội thành hiện hữu nhưng khu vực phía Đông lại chưa được quan tâm, trong khi đây là khu vực đang đô thị hóa mạnh và đã bộc lộ nhiều dấu hiệu quá tải hạ tầng, trong đó có ngập lụt. Từ đó cho thấy, nội dung chống ngập nằm rải rác ở các quy hoạch ngành, không đưa vào quy hoạch chung cùng với các ngành khác, khiến ngành thủy lợi và chống ngập thời gian qua gần như là chạy theo giải quyết hậu quả cho các ngành khác chứ chưa mang tính thống nhất, chủ động ứng phó với ngập lụt.
“Nếu đưa nội dung thủy lợi và chống ngập vào ngay từ đầu, chúng ta sẽ thấy được mức độ ngập lụt ở mỗi khu vực, nếu xây dựng hay phát triển loại hình kinh tế nào đó thì ngập lụt sẽ gia tăng ra sao, từ đó cân đối ngành nghề phát triển cũng như mức độ đầu tư. Chống ngập không chỉ là giảm ngập mà còn ngăn chặn được ngập phát sinh ban đầu từ việc quy hoạch các khu vực phát triển”, ông Phi nêu rõ.
Quy hoạch để tránh trùng lắp
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM), cho biết trung tâm đã có văn bản góp ý với Sở Quy hoạch - Kiến trúc về đề cương điều chỉnh quy hoạch chung TP, trong đó khẳng định sự cần thiết bổ sung 2 nội dung quy hoạch thủy lợi và chống ngập úng vào đồ án. Việc tích hợp 2 nội dung này vào cùng với quy hoạch các ngành khác như giao thông, xây dựng... để nghiên cứu chống ngập cho TP một cách tổng thể, cũng như tránh trùng lắp.
“Các dự án, nhất là dự án hạ tầng công cộng, khi tính toán đầu tư cần có cả hạng mục chống ngập úng, chứ không thể chờ đến lúc vận hành thấy bị ngập mới khắc phục. Chẳng hạn vừa qua có nhiều tuyến đường lúc làm không đặt cống, giờ đào lên làm cống thì vừa tốn kém vừa xáo trộn sinh hoạt của người dân”, ông Long dẫn chứng.
“Chúng ta có quyền suy nghĩ đến những mô hình chống ngập cực kỳ hiệu quả nhưng cần “liệu cơm gắp mắm”, xác định nguồn tiền và xác định thời gian thực hiện, nếu 5 năm chưa có đủ tiền thì hoạch định thời gian 10 năm, nhưng cần chia mốc thời gian cụ thể, mỗi mốc đó phải đạt được khối lượng bao nhiêu phần trăm kế hoạch. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng “vẽ” đẹp nhưng chỉ để ngắm, rồi lại loay hoay điều chỉnh quy hoạch, vừa phá vỡ các cam kết với cộng đồng về việc chống ngập - vốn đang là vấn đề bức xúc với người dân”, ông Hồ Long Phi phân tích.
Hiện nay UBND TP cũng đã giao Sở Giao thông Vận tải lập dự thảo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự thảo điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Khi được phê duyệt, các nội dung trong 2 quy hoạch này cũng sẽ được tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung của TP.
Còn theo góp ý của ông Hồ Long Phi, khi đưa nội dung thủy lợi và chống ngập úng vào quy hoạch chung của TP, cần làm rõ 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là mối quan hệ tương tác giữa quy hoạch chống ngập với các ngành khác. Thứ hai là nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Thứ ba là khả năng thích ứng của cộng đồng. Nếu là các giải pháp chống ngập công trình thì cần lượng hóa các thiệt hại vào đánh giá tác động môi trường của dự án, để có phương án và hành động giảm thiểu ngay từ lúc đầu, không để đến khi người dân bức xúc lên tiếng mới thực hiện, sẽ giảm bớt hiệu quả và lòng tin của nhân dân. 
“Nếu đã quy hoạch khu vực nào để thoát nước, khu vực nào để xây các hồ điều tiết thì cần đảm bảo các khu vực đó phát triển theo đúng định hướng, không để lấn chiếm hay thay đổi mục đích. Bên cạnh đó, một số khu vực trũng thấp dù đã được xây dựng đê bao nhưng khả năng của đê bao đó chỉ có thể bảo vệ cho các công trình hiện hữu, đừng thấy có đê bảo vệ thì lại vô tư xây dựng, gia tăng dân số…, đến một lúc nào đó sẽ quá khả năng bảo vệ của đê bao. Trận lũ lụt vì vỡ đê bao ở thành phố Bangkok của Thái Lan năm 2011 là một hậu quả cụ thể của việc xây dựng ồ ạt vì quá tin tưởng vào khả năng của đê bao”, ông Phi khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục