Sống cùng nhân vật trên trang viết

“Hà chọn cách viết hóa thân vào từng nhân vật chứ không đơn thuần là ở sự khách quan như đứng bên ngoài ghi nhận. Qua mỗi cảnh phim, cảm xúc của nhân vật cũng chính là cảm xúc của mình”, biên kịch Mỹ Hà chia sẻ. 
Biên kịch Mỹ Hà luôn nỗ lực tạo sự mới mẻ trong từng dự án
Biên kịch Mỹ Hà luôn nỗ lực tạo sự mới mẻ trong từng dự án

Cô kể, có những đêm khuya, ngồi một mình với máy tính, đôi khi tự mình hóa thân vào vai một trí thức hay một anh nông dân quê mùa. Những xung đột của các nhân vật luôn khiến cô mệt nhoài. Nhưng chính sự hóa thân ấy tạo ra sự sâu sắc trong lời thoại, khắc họa rõ từng nhân vật. Và, Hà đã có trong tay gần 20 bộ phim ra đời theo cách như thế. Có thể kể đến các tác phẩm cô là biên kịch và biên tập: Cổng mặt trời, Giấc mơ biển, Dốc sinh tồn, Hạnh phúc muộn màng, Vòng vây hoa hồng, Cuộc chiến quý ông, Cung đường tội lỗi, Đánh cắp giấc mơ, Tình yêu lừa dối... 

Tốt nghiệp ngành Ngữ văn - Báo chí giúp Hà có nhiều thuận lợi khi rẽ hướng sang nghề biên kịch bởi nó cho cô cả cảm xúc và sự nhạy bén. Khi ra trường, đầu quân cho hãng phim lớn khi đó (Lasta), người dẫn đường cho cô sang con đường biên kịch là đạo diễn Trương Dũng với lời động viên: “Em có khả năng đi đường dài với việc viết kịch bản phim”. Từ chỗ bỡ ngỡ, chưa nhìn thấy rõ nội lực của chính mình, sự khích lệ ấy giúp cô tự tin và luôn thầm cảm ơn. 

Theo Mỹ Hà, nhờ khả năng liên tưởng rất cao, có khi chỉ ngồi nhâm nhi tách cà phê sáng, đọc báo cũng đủ khơi gợi ý tưởng, thai nghén một câu chuyện mới. Đánh cắp giấc mơ từng ra đời trong hoàn cảnh đó. Cùng với các kỹ thuật đã học, việc triển khai từ ý tưởng sơ khai đến khi hoàn chỉnh không phải quá phức tạp. “Nhưng điều khó nhất với biên kịch là cách tạo sự hấp dẫn xuyên suốt bộ phim dài tập như phim truyền hình”, Hà chia sẻ. Do đó, cô luôn trăn trở làm sao tạo nên những điều mới mẻ. Mỗi câu chuyện không giống nhau, mọi diễn biến và tình huống cũng khác nhau. Nếu vẫn sử dụng góc nhìn cũ, cách xử lý cũ là đang lặp lại chính mình, điều khiến bản thân biên kịch và khán giả đều chán. 

Quy tắc Mỹ Hà đặt ra cho mình là sẵn sàng từ chối những dự án đơn giản, chạy theo thị hiếu riêng biệt để mang về một lợi nhuận nào đó như những đề tài nóng bỏng, bạo lực một cách trực diện. Cô tâm niệm: “Chính giá trị nhân văn, thông điệp tốt đẹp mới chạm sâu vào cảm xúc người xem, lưu dấu cảm xúc ấy trong não bộ và có thể thay đổi cả hành vi con người, ngoài giá trị giải trí phim ảnh mang lại”.

Là một biên kịch tự do khá dạn dày kinh nghiệm nhưng Hà tự nhận, “mình chỉ là kẻ dạo chơi trong khu vườn này”. Cô thích cuộc sống bình lặng, ngoài viết lách thì đọc sách xem phim, nghiên cứu và học hỏi những đàn anh, đàn chị mọi thứ liên quan đến phim ảnh. Cảm giác được kể những câu chuyện bằng hình, làm hết sức với nó, được khóc cười với chính nhân vật và khán giả là niềm hạnh phúc và là động lực để cô cố gắng mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục