Sống có trách nhiệm với xã hội

Không đồng tình với những hành động sai trái của các phần tử quá khích gây mất trật tự xã hội, phá vỡ sự bình yên cuộc sống của người dân, đại diện các giới đồng bào TPHCM tiếp tục góp tiếng nói của mình một cách có trách nhiệm với xã hội…
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận 3 cho biết, vừa khởi tố 4 đối tượng về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” trong vụ tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 10-6
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận 3 cho biết, vừa khởi tố 4 đối tượng về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” trong vụ tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 10-6
Công khai việc xử lý những đối tượng vi phạm
Những ngày qua, lợi dụng dư luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, một số đối tượng đã có hành vi chống phá, gây rối, kích động người dân tham gia tụ tập đông người; nhiều đối tượng quá khích đã đập phá, hủy hoại tài sản Nhà nước, chống người thi hành công vụ... Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội mà còn gây thiệt hại rất lớn đến hình ảnh, uy tín của đất nước, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh, du lịch của Việt Nam.
Theo tôi, cần phân chia những đối tượng quá khích gây rối thành 3 loại: loại chủ mưu, chống phá cách mạng có ý thức; loại bị mua chuộc, tiếp tay thực hiện; loại a dua, làm theo số đông vô ý thức. Tùy theo từng loại sẽ có hình thức xử lý phù hợp, thỏa đáng. Đồng thời, việc xử lý những đối tượng này cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Đinh Văn Huệ 
(cựu chiến binh, phường 15, quận 10)
Cần tổ chức trao đổi, nói chuyện thời sựđể công nhân nắm thông tin đúng đắn
Tôi không tán đồng với các hành động quá khích, tụ tập đông người rồi phát sinh bạo lực, vi phạm pháp luật. Rất tiếc, những sự việc đáng tiếc đã xảy ra rồi. Vấn đề là chúng ta rút kinh nghiệm như thế nào để không tiếp diễn?
Tôi nghĩ rằng trước các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề trọng đại, mỗi chúng ta cần chủ động tìm hiểu thông tin đầy đủ, suy nghĩ chín chắn để có hành động phù hợp với luật pháp; không nên hùa theo số đông, thấy người ta làm là mình cũng làm, người ta xúi giục thì mình theo. 
Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, người dân có quyền được sinh sống trong một môi trường tự do, bình đẳng, ổn định, phát triển. Người dân có quyền cất lên tiếng nói của mình, về nguyện vọng chính đáng của mình. Vì thế, các cơ quan chức năng cần có các chủ trương, chính sách, hành động đáp ứng được mong mỏi đó, mong mỏi về một cuộc sống ấm no, phát triển. Ví dụ, việc thành lập 3 đặc khu mà hiện nay người dân đang quan tâm, cơ quan hữu trách cần tính toán có cơ sở nếu làm thì tỷ lệ thành công ra sao; làm thế nào để hài hòa quyền lợi và không tạo ra, không tiềm ẩn bất cứ nguy cơ nào cho đất nước. 
Đối với các vấn đề sát sườn với đời sống người dân, với tương lai của đất nước, cơ quan chức năng cần tham khảo ý kiến người dân để đưa ra quyết sách đúng đắn, thuận lòng dân. Thậm chí, có thể tổ chức nhiều buổi nói chuyện, diễn đàn, trao đổi về các vấn đề thời sự ở ngay các xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp để công nhân, người lao động bày tỏ ý kiến, tự nói lên tâm nguyện của mình. Sau đó, công đoàn TP có thể chắt lọc ý hay, xác đáng, chuyển các góp ý đó tới các cấp TP và Trung ương. Một khi có các kênh kết nối, trao đổi hữu hiệu như vậy, người dân có đầy đủ thông tin, sẽ không bị hùa theo đám đông, dẫn tới các hành động đáng tiếc như thời gian qua.
Trần Văn Hưng 
(Công ty TNHH TM Tân Hoàng Gia, quận Tân Bình) 
Hãy là người trẻ sống có trách nhiệm
Ở góc độ tích cực, việc người dân bày tỏ ý kiến cho thấy sự quan tâm đến các vấn đề chung của đất nước, việc thảo luận tại nghị trường của Quốc hội thật sự đã lan tỏa ra toàn xã hội. Việc phản biện trong xã hội góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện quyền giám sát của nhân dân. 
Tuy nhiên, nhiều đối tượng có ý đồ chống phá đã đưa những thông tin xuyên tạc, không chính xác, dụ dỗ, lôi kéo, kích động người dân tham gia các hoạt động bạo loạn, phá hoại các công trình công cộng, trụ sở các cơ quan Nhà nước, các cơ sở kinh doanh gây thiệt hại kinh tế cũng như gây bất ổn trong xã hội. Họ còn lôi kéo học sinh, sinh viên, người lao động để gây bất ổn trong nội bộ quốc gia. Chính vì thế, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường việc điều tra và xử lý các đối tượng này. Đối với những người dân tham gia, phần lớn họ là những người thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội hoặc do hiếu kỳ, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường việc tuyên truyền để người dân tiếp cận những thông tin đúng, chính xác hơn.
Liên quan vấn đề này, nhiều bạn trẻ đã bị dụ dỗ, lôi kéo để có những hành động quá khích. Đáng lẽ trong độ tuổi này các bạn phải tích cực học tập, làm việc, hoàn thiện bản thân để trở thành những người có ích cho xã hội. Ngoài sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, các bạn hãy nghĩ đến làm sao mang những điều mình học được, làm được giúp ích cho cộng đồng. Đó chính là thể hiện tình yêu nước cụ thể và thiết thực nhất. Theo tôi, mỗi người trẻ cần có cách nhìn tích cực, đa chiều những vấn đề trong cuộc sống trước khi nêu lên quan điểm của mình. Và việc làm ấy không gây phương hại đến những giá trị chung của xã hội. Khi đã có cái nhìn tích cực, bạn sẽ biết cách đón nhận và phản hồi những thông tin trên các phương tiện truyền thông một cách hiệu quả hơn. 
Ở thời điểm hiện tại, đa phần người trẻ có thiên hướng nêu những quan điểm, ý kiến của mình trên mạng xã hội vì thế dễ dẫn đến tình trạng lan rộng những thông tin không chính thống, thiếu chính xác, gây ra hiện tượng bức xúc cục bộ trong dư luận. Trong thời gian dài sẽ gây một hiệu ứng không tốt của các bạn trẻ khi nhìn nhận các vấn đề và tạo thành một bức tranh xã hội u tối. Thay vì để các bạn trẻ nói lên tiếng nói của mình trên mạng xã hội, các cấp bộ đoàn cần truyền đạt những thông tin tích cực trên mạng, cũng như tạo ra các kênh diễn đàn, để các bạn trẻ nêu lên quan điểm, ý kiến của mình, đóng góp ý kiến cho những vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi khi ý kiến được nêu lên đúng nơi, đúng lúc và có sự lắng nghe từ các cấp có thẩm quyền sẽ giúp bạn trẻ thấy rằng những gì họ nói có người lắng nghe và giải quyết. 
Đỗ Nguyễn Hữu Tấn 
                                                                          (Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM)

Tin cùng chuyên mục