Sống chung với hạn hán

Miền Trung nắng lửa với địa hình dài và hẹp, năm 2019 lại không có lũ nên hạn hán đang bức bách. Những mô hình, cách làm hay trong ứng phó với hạn hán do các nhà khoa học và một số bà con nông dân sáng chế ra được nhân rộng sẽ góp phần giải nhiệt cho cây trồng.
Khu nhà sản xuất rau quả thủy canh chống hạn tại Trường Đại học Quang Trung. Ảnh: NGỌC OAI
Khu nhà sản xuất rau quả thủy canh chống hạn tại Trường Đại học Quang Trung. Ảnh: NGỌC OAI

Mô hình Edufarm

Nắng nóng gay gắt như dịu đi bởi màu xanh mướt của vườn rau, quả sản suất theo mô hình Edufarm mà Th.S Phan Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Quang Trung (TP Quy Nhơn) cùng các cộng sự thực hiện. Trên khu đất rộng chừng 2.000m² sau trường, một mô hình nhà lưới khép kín, biệt lập hẳn với bên ngoài để trồng rau quả và hoa cảnh, dược liệu.

“Mô hình Edufarm vận hành dựa theo dây chuyền khép kín, hoạt động tự động nên không tốn nhiều công sức. Tất cả các khâu từ phân bón, nước tưới, phun sương làm giá thể, lọc nước hồi lưu… đều hoạt động tự động và hẹn giờ. Chỉ 1 đến 2 người có thể vận hành và quản lý một khu vườn. Ưu việt mô hình này là tiết kiệm nước tối ưu, sản xuất rau củ quả sạch 100%, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn hán, đồng thời cô lập hoàn toàn với các yếu tố sâu bệnh, virus…” - cô Thủy chia sẻ. 

Anh Nguyễn Bá Nghị, Trường Đại học Quang Trung giải thích tường tận về cơ chế hoạt động mô hình Edufarm. Trong đó, các khu sản xuất đều theo phương thức thủy canh, tiết kiệm diện tích sản xuất, tối ưu tiết kiệm và hồi lưu lượng nước để tái sản xuất. “Ngoài thích ứng với biến đổi khí hậu, chống hạn hiệu quả, mô hình này giảm thiểu và rút ngắn thời gian sản xuất. Thay vì mất 60 ngày mới thu hoạch thì chúng tôi chỉ mất 35 ngày là có thể thu hoạch rau sạch cho giá cả cao gấp đôi” - anh Nghị lý giải.

Ở vùng gò đồi Quảng Trị, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng bản địa sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả, phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ để thích nghi với nắng hạn, giảm thiểu sâu bệnh bước đầu cho hiệu quả, năng suất cao như cà gai leo, chanh dây, cam, dâu tằm...

Trong đó, chị Lê Hồng Nhạn (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) tiên phong chuyển đổi hơn 5ha diện tích đất tiêu sang trồng cây cà gai leo. Chị cho biết, cà gai leo dễ trồng, thích hợp với thời tiết nắng nóng và khô. Đây là cây dược liệu quý có tác dụng trong điều trị viêm gan virus, hạ men gan, xơ gan, giải độc gan…, nên cho thu nhập gấp 2-3 lần so với cây trồng bản địa. Tuy nhiên, để giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao hơn trong điều kiện thời tiết nắng nóng, gia đình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm, ngoài ra còn tiến hành phủ bạt lên diện tích trồng giúp giữ độ ẩm cho cây tốt hơn cùng giảm thiểu được cỏ dại mọc. 

Xe đa năng chữa cháy rừng

Nắng nóng gay gắt cộng mùa khô kéo dài khiến nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng của lực lượng kiểm lâm lại càng nặng nề, trong điều kiện phương tiện dập lửa, cứu rừng thiếu thốn. Trong cái khó ló cái khôn, Phòng Quản lý và Bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã sáng chế ra chiếc xe đa năng chữa cháy rừng rất đơn giản nhưng hiệu quả. Theo đó, phần khung sườn xe máy được gia cố chắc chắn hơn để gắn 2 thùng đựng nước loại 30 lít 2 bên hông xe. Phần yên chiếc xe có chiếc máy bơm áp lực vận hành bằng xăng đặt trên giá đỡ. Tiếp cận đám cháy, máy bơm khởi động, tạo áp lực đẩy nước từ thùng chứa qua hệ thống ống dẫn dài hơn 500m. Thế là nước được đưa vào sâu trong rừng, giữa các điểm cháy để dập lửa. Để tiếp nước liên tục cho xe chữa cháy đa năng hoạt động, một số xe máy vận chuyển tiếp nước bằng can nhựa được chuẩn bị sẵn sàng. 

Ông Hà Văn Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phong Điền chia sẻ, đơn vị trồng và quản lý hơn 2.400ha rừng, chủ yếu thông và keo. Địa hình đồi núi nên việc PCCC rừng gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là dập lửa bằng cành cây, máy thổi gió nên hiệu quả thấp.

“Ưu điểm xe đa năng có thể vượt qua được nhiều địa hình khó khăn, leo lên đồi cao mà các phương tiện cơ giới khác, kể cả xe chữa cháy chuyên nghiệp khó thực hiện được. Chưa hết, hệ thống ống dẫn nước áp lực dài hơn 500m có thể luồn lách mọi mơi, giữa các cây rừng để tiếp cận trực tiếp và dập tắt ngay các điểm cháy”. 

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sáng kiến kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phong Điền có giá thành rất rẻ nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, tiết kiệm kinh phí trong điều kiện ngân sách địa phương khó khăn được nhiều đơn vị khác trên địa bàn học hỏi, nhân rộng để áp dụng vào việc chữa cháy rừng.

Tin cùng chuyên mục