Sớm khắc phục những bất cập về phòng cháy chữa cháy

Công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã có chuyển biến so với trước, tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ vẫn rất cao; việc triển khai phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập. 
Lực lượng PCCC triển khai xe thang cứu người trên các tầng cao
Lực lượng PCCC triển khai xe thang cứu người trên các tầng cao

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC còn nhiều hạn chế, bất cập.

Xuất hiện nhiều tiềm ẩn nguy hiểm 

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn TPHCM được Thành ủy, HĐND, UBND TP rất quan tâm. Các sở ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn PCCC đối với các tổ chức, cá nhân được tăng cường. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có 41.447 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC với 12.449 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. 

Để thực hiện có hiệu quả công tác PCCC, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân đối với công tác PCCC. Nhờ đó, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC đã từng bước được củng cố và nâng cao. Riêng số văn bản chỉ đạo của UBND TP đã tăng gấp 2 lần so với trước, tạo thành những tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả trong công tác PCCC, thu hút được nguồn lực, sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực PCCC còn khá nhiều bất cập. Có nhiều nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quy định, các bộ ngành chức năng sẽ hướng dẫn thực hiện, nhưng đến nay phần lớn những quy định đó vẫn chưa được hướng dẫn. Quá trình phát triển nhanh của kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã xuất hiện nhiều đối tượng thuộc diện quản lý mới có nhiều nguy hiểm cháy nổ, hoặc thiệt hại lớn khi có cháy nổ xảy ra, nhưng chưa được cập nhật kịp thời khiến cơ sở còn nhiều lúng túng.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở ban ngành chưa tốt, chưa đồng bộ nên vẫn còn những bất cập trong quản lý nhà nước, gây nên những nguy cơ cháy nổ cao như: quản lý sản xuất, sử dụng hóa chất, vũ khí vật liệu nổ; quản lý chung cư, nhà cao tầng; phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ cháy nổ do sử dụng hệ thống và các thiết bị điện.

Bỏ sót quản lý số lượng lớn nhà ở kết hợp kinh doanh

Công tác quản lý nhà nước vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, điển hình là quy định hiện hành đang bỏ sót một số lượng lớn nhà ở kết hợp kinh doanh không có đơn vị nghiệp vụ của ngành công an trực tiếp hướng dẫn, quản lý về mặt PCCC. Tại TPHCM có 294.085 hộ gia đình kết hợp với kinh doanh, dịch vụ (số hộ có đăng ký kinh doanh là 190.109 căn, số hộ chưa đăng ký kinh doanh là 103.976 căn).

Trong đó, số hộ kinh doanh có cấu kiện xây dựng nhà bằng các loại vật liệu dễ cháy chiếm đến 10.194 căn; số hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ là 12.074 căn; số hộ kinh doanh có hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn là 17.627 căn.

Số lượng hộ kinh doanh đã tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC là 58.606 hộ, số lượng người tham gia là 91.137 người; số lượng người được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC là 41.886 người. Thống kê cho thấy tình hình cháy nổ nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao, cả về số vụ (khoảng 50%), thiệt hại về người (khoảng 83%) và tài sản.

Việc đầu tư và trang bị phương tiện PCCC đã được tăng cường trong thời gian gần đây, tuy nhiên so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thì sự đầu tư đó chưa tương xứng; ngân sách của Bộ Công an cho công tác PCCC rất ít, chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương. Một số tổ chức doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, số vụ vi phạm quy định về PCCC còn nhiều, gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước về PCCC.

Đề xuất cho TPHCM áp dụng các quy chuẩn đặc thù 

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, giám sát liên tục của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TPHCM và các đơn vị trực thuộc; căn cứ vào những dự báo về tình hình cháy nổ trong thời gian tới và đặc biệt là qua những hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong quá trình các đoàn đi kiểm tra, giám sát, lực lượng Cảnh sát PCCC đề xuất, kiến nghị các nội dung, giải pháp để tháo gỡ sớm những bất cập trong công tác PCCC-CNCH hiện nay.

Cần có quy định cụ thể trong việc xã hội hóa công tác PCCC, công tác PCCC tình nguyện để địa phương dễ thực hiện, thu hút các nguồn lực cho công tác PCCC. Đề nghị có quy định, hướng dẫn về việc thành lập Hiệp hội PCCC tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên phạm vi cả nước; trước mắt có thể thí điểm thành lập Hiệp hội PCCC tại TPHCM. Có hướng dẫn, quy định chế độ chính sách cụ thể cho các lực lượng PCCC-CNCH đã được quy định trong Luật PCCC.


Trong đó, đề xuất lãnh đạo TPHCM cần tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật PCCC; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền liên quan đến công tác PCCC trong từng lĩnh vực hoạt động, phù hợp với Luật PCCC và tình hình thực tế. 

TPHCM là đô thị lớn, đang được đô thị hóa rất mạnh mẽ, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác PCCC mà các văn bản pháp luật, quy chuẩn về PCCC chưa đề cập. Vì thế, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM đề xuất cho phép địa phương ban hành và áp dụng các quy chuẩn PCCC đặc thù để điều chỉnh công tác PCCC trên địa bàn thành phố.

Chẳng hạn, cho phép TPHCM ban hành quy định của HĐND TP về tiêu chí (hoặc tiêu chuẩn địa phương) an toàn về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố mang tính bắt buộc áp dụng chung, có các chế tài xử lý vi phạm nếu không tổ chức thực hiện. Đây là nội dung rất cần thiết, là hành lang pháp lý đảm bảo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TPHCM.

Đồng thời, cần kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo PCCC các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã. Xác định cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCC. Nghiên cứu, đề xuất phương án, đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; nắm vững pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ PCCC-CNCH trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án nâng cao năng lực và dự án quy hoạch ngành PCCC.

Bổ sung quy định giao công an phường xã, thị trấn là đơn vị tham mưu cho UBND cùng cấp về công tác PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất (những cơ sở trước đây không quản lý về PCCC). Giao cảnh sát khu vực là người trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về PCCC khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ là nòng cốt của lực lượng PCCC tại chỗ.

Đề án nâng cao năng lực PCCC-CNCH trên địa bàn TPHCM ngang tầm với các nước trong khu vực và dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, với tổng nguồn kinh phí đã đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH trong giai đoạn 2016-2020 là 2.617,45 tỷ đồng (nguồn kinh phí đầu tư gấp 3,6 lần so với cùng kỳ trước đó); giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 1.443 tỷ đồng; bình quân hàng năm bố trí khoảng 440 tỷ đồng. 

Trong đó, đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện PCCC-CNCH với tổng kinh phí hơn 1.872,747 tỷ đồng; trang bị bổ sung thêm 72 phương tiện cơ giới phục vụ công tác chữa cháy và CNCH các loại, cùng một số dụng cụ, trang thiết bị khác. Đồng thời đã khảo sát và tiến hành lắp mới 4.505 trụ nước, nâng tổng số trụ nước chữa cháy hiện có trên địa bàn TPHCM lên 10.300 trụ, có 1.873 bể nước chữa cháy trên 50m3 (tăng 549 bể); có 802 bến, điểm có thể sử dụng để lấy nước chữa cháy.

Tin cùng chuyên mục