Sớm chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp

 Việc các tàu cá của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí bị các tổ chức quốc tế lên án gay gắt. 
Một tàu cá Việt Nam bị Hải quân Thái Lan bắt giữ. (Nguồn: thailandchatter.com)
Một tàu cá Việt Nam bị Hải quân Thái Lan bắt giữ. (Nguồn: thailandchatter.com)
Ngày 24-8, tại UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị “Triển khai thực hiện công điện số 732/CĐ-TTG ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ” về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 
Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, đại diện Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư và đại diện các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cà Mau…
Mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng
Trong hơn 20 năm qua, nghề cá Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc với 110.950 tàu công suất bình quân 90,1CV/tàu. Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh, tranh chấp ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề, giữa tàu cá Việt Nam và tàu nước ngoài, đặc biệt một số ngư trường trọng điểm như Hoàng Sa, vùng biển vịnh Bắc bộ, hiện tượng tàu cá Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Australia… ngày càng tăng. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, quan hệ ngoại giao của Việt Nam trong các diễn đàn đa, song phương các nước. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do nguồn lợi vùng biển có xu thế giảm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản giai đoạn 2011 - 2015, nhóm cá nổi nhỏ giảm 3,2%, nhóm cá nổi lớn giảm 10,2%, nhóm hải sản tầng đáy giảm 41,7%.
Theo thống kê, từ năm 2013 trở về trước, ngư dân Quảng Ngãi thường xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Philipines, Malaysia. Từ khi các nước này áp dụng các biện pháp xử lý cứng rắn như phạt tù dài ngày, tăng hình phạt, bắn chìm tàu… thì một số ngư dân có xu hướng xâm phạm vùng biển các nước cách xa hàng ngàn hải lý. Từ đầu năm 2017 đến nay, có 98 lượt tàu cá Quảng Ngãi bị các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Australia… kiểm soát, bắt giữ và xử lý. 
Ông Bùi Quốc Thành, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam, cho biết, trong 2 năm qua, đối với các vụ việc tàu cá Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ tại các khu vực chồng lấn, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đều đã đề nghị trả tự do cho ngư dân. Năm 2017, Indonesia đã trao trả 645 ngư dân. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quốc Thành, còn nhiều khó khăn trong công tác bảo hộ ngư dân, nhất là đối với một số tàu cá bị tàu Trung Quốc xua đuổi, phía nước ngoài thường phủ nhận do ngư dân không có bằng chứng; một số tàu cá hoạt động trái phép vùng biển nước ngoài khi gặp lực lượng kiểm ngư thì bỏ chạy; nhiều tàu cá khi khai thác trên biển thường không bật định vị dẫn đến khó xác minh, hỗ trợ.
Đối mặt án phạt từ EU
Theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy, tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển ngày càng nghiêm trọng, các tổ chức quốc tế đã lên án gay gắt. Trong đó, EU áp dụng các biện pháp trừng phạt (thẻ vàng, thẻ đỏ) đối với các sản phẩm từ các quốc gia không kiểm soát hiệu quả khai thác bất hợp pháp. Đến nay đã có 24 quốc gia bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ. EU đã cảnh báo Việt Nam và dự kiến đến 30-9, nếu Việt Nam không ngăn chặn tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản thì EU sẽ không cho phép xuất khẩu thủy sản vào các nước trong khối.
Tại hội nghị, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, kiến nghị xây dựng trung tâm giám sát tàu cá trên biển, đảm bảo các tàu cá đều có các thiết bị giám sát hành trình. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, kiến nghị cần có phân định vùng nước, vùng biển đối với Campuchia, khu vực này đang là vùng chồng lấn; nghiên cứu chuyển nghề sinh kế cho người dân.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu đến tháng 9 phải ban hành kế hoạch hành động quốc gia ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong thời gian tới, ngư dân phải thực hiện 100% cam kết không vi phạm vùng biển các nước, các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển cần tăng cường tuần tra, các tàu cá cần lắp đặt các thiết bị, phương tiện kết nối bờ để thông tin cho lực lượng chức năng, thực hiện giám sát hành trình khai thác thủy sản từ khi xuất bến đến khi trở về. Các địa phương cần thực hiện nghiêm công điện 732/CĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường giáo dục, tuyên truyền luật biển cho ngư dân, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, chủ tàu, thuyền trưởng. 
Qua những kiến nghị của các địa phương về việc cấm khai thác các loại thủy sản có giá trị như hải sâm, tai tượng, rùa biển, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sẽ kiến nghị đưa các hải sản quý hiếm vào danh mục cấm khai thác, vận chuyển, mua bán. Ngoài ra, để hỗ trợ, đảm bảo cho ngư dân khi khai thác trên biển, sắp tới các bộ sẽ tăng cường thỏa thuận nghề cá với các nước trong khu vực, phối hợp với các nước xây dựng đường dây nóng, hỗ trợ đưa ngư dân trở về nước.

Tin cùng chuyên mục