Sớm bổ sung vào quy hoạch các dự án đốt rác phát điện

Để giải quyết các bất cập còn tồn tại trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho TPHCM (Báo SGGP đã phản ánh), nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, nhất thiết phải nâng chất hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập, hoàn thiện năng lực của các đơn vị thu gom rác chính quy, chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt phát điện. 
Công ty TNHH Giấy Chánh Dương sử dụng rác dư thừa trong tái chế giấy biến thành nhiệt năng tạo điện đưa vào sản xuất tại KCN Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công ty TNHH Giấy Chánh Dương sử dụng rác dư thừa trong tái chế giấy biến thành nhiệt năng tạo điện đưa vào sản xuất tại KCN Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đẩy nhanh chuyển đổi mô hình quản lý 

Tại buổi khảo sát tình hình quản lý chất thải trên địa bàn TPHCM của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, hiện trung bình mỗi năm dân số TPHCM tăng cơ học khoảng 200.000 người. Kéo theo đó, lượng rác thải đô thị cũng tăng từ 10%-15%/năm. Do vậy, từ năm 2019, UBND TPHCM đã giao các quận, huyện tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập. Theo đó, chuyển đổi mô hình thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp lý, kết hợp thay mới trang thiết bị thu gom rác. 

Thống kê từ các quận, huyện cho thấy, thành phố Thủ Đức và 19/21 quận, huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; 2 quận chưa hoàn thành việc chuyển đổi là quận Tân Phú (đạt 95%) và quận 5 (39,7%). Tuy nhiên, việc thay mới trang thiết bị thu gom rác cho lực lượng thu gom rác dân lập vấp phải nhiều khó khăn. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện Quỹ Bảo vệ môi trường đã thẩm định hồ sơ và giải ngân hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền 70 tỷ đồng. Số đề xuất hỗ trợ chuyển đổi còn lại đang đợi được bổ sung ngân sách. Thế nhưng, với số lượng phương tiện cũ cần phải chuyển đổi lên đến hơn 2.000 phương tiện thì thực sự rất khó khăn, và cần lộ trình dài hơi hoặc cần nguồn ngân sách hỗ trợ “khổng lồ” từ phía nhà nước. 

Còn về hoạt động xử lý rác thải, thành phố đã ban hành chủ trương đầu tư 4 dự án chuyển đổi sang công nghệ xử lý rác thải đốt phát điện của 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày), Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày).

Song song đó, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án xử lý rác thải. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này triển khai rất chậm, có khả năng không đạt chỉ tiêu tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế như lộ trình đã đặt ra.

Loại bỏ nhà đầu tư chây ì

 Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM nêu ý kiến, cần thiết phải đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư dự án xử lý rác thải để những nhà đầu tư có năng lực sớm tham gia vào hoạt động xử lý rác thải. Việc cấp phép đầu tư hoặc chuyển đổi công nghệ xử lý rác không nên chỉ bó hẹp trong một số doanh nghiệp mà nên mở rộng để nhiều doanh nghiệp tham gia. Vấn đề là thành phố tạo cơ chế mở, theo hướng nhà đầu tư nào đưa nhà máy vào vận hành trước sẽ được bố trí khối lượng rác tương ứng công suất vận hành để xử lý.

Có như vậy mới tránh tình trạng một số nhà đầu tư giành được giấy phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nhưng chây ì, để đó không làm, còn những doanh nghiệp khác muốn làm nhưng lại không được cấp phép đầu tư. Hệ quả là thành phố sẽ bị “vỡ trận rác thải” do không còn quỹ đất để xử lý rác. 

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, để triển khai đồng bộ và thuận lợi trong công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm tháo gỡ nhiều vướng mắc đang tồn tại. Cụ thể, Bộ Xây dựng sớm xem xét thẩm định, thông qua đồ án quy hoạch chuyên ngành về môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê duyệt.

Trước đó, vào tháng 9-2021, UBND TPHCM đã trình Bộ Xây dựng đồ án quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Về phía Bộ TN-MT, cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế, kỹ thuật đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (trước đây do Bộ Xây dựng ban hành) để không làm ách tắc hoạt động quản lý rác thải nói chung. 

Liên quan đến vấn đề giá, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp rà soát để thống nhất trong việc ban hành các quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tránh tình trạng chồng chéo trong ban hành giá giữa các cơ quan bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành.

Riêng với vấn đề pháp lý trong xây dựng giá xử lý rác, các bộ, ngành cần sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng để làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. 

Mặt khác, Bộ Công thương sớm bổ sung các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện trong năm 2022.

Riêng về việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ về mặt pháp lý để thành phố có thể đặt hàng đối với khối lượng tăng thêm của các đơn vị đang có hợp đồng xử lý rác của thành phố nhưng chuyển đổi công nghệ với công suất cao hơn công suất đã ký theo hợp đồng.

Đồng thời, đối với khối lượng phát sinh thêm của thành phố thì UBND TPHCM được tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (nhà nước cho thuê đất nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn) mà không phải thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Một vấn đề mà UBND TPHCM rất băn khoăn là chính sách hỗ trợ. Hiện những chính sách hỗ trợ hợp tác xã thu gom rác để thực hiện chuyển đổi các cá nhân, tổ thu gom rác dân lập sang mô hình hoạt động hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có pháp nhân chưa được “chính quy”. Do vậy, về lâu dài cần được luật hóa chính sách hỗ trợ trên vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sắp ban hành.

Tin cùng chuyên mục