Sôi nổi với tiết học ngoài nhà trường

Mặc dù chỉ mới đưa vào thí điểm từ đầu năm học 2016-2017 đối với bậc THPT và THCS, nhưng đến nay, toàn TPHCM đã có 28.688 học sinh tham gia tiết học ngoài nhà trường. Ghi nhận ban đầu từ các đơn vị cho thấy, học sinh rất hào hứng với mô hình học tập mới mẻ này...
Học sinh muốn kéo dài tiết học cả ngày
Đánh giá về mô hình thí điểm tiết học ngoài nhà trường, bà Phan Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền, cho biết qua trò chuyện, trao đổi với học sinh, hầu hết các em đều rất thích thú với tiết học bằng trực quan sinh động tại Thảo Cầm viên.
Việc lớp học được tổ chức trong không gian mở, học sinh được trải nghiệm thực tế các loài sinh vật, đã giúp các em tăng cường kỹ năng thực hành, thực nghiệm, cũng như nâng cao ý thức bảo tồn sự đa dạng sinh học của thế giới sống.
Sôi nổi với tiết học ngoài nhà trường ảnh 1 Học sinh tham gia tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường tại Thảo Cầm viên
Tiết học ngoài nhà trường không chỉ mang ý nghĩa đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, mà còn góp phần đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá (học sinh được kiểm tra bằng hình thức nộp bài thu hoạch - PV), tạo sự tương tác hiệu quả giữa giáo viên và học sinh.
“Khi được hỏi, nhiều em cho biết muốn kéo dài tiết học ngoài nhà trường cả ngày để có thêm thời gian tìm hiểu thực tế và trải nghiệm. Thêm vào đó, hiện nay bộ môn Sinh khối 10 chỉ có 2 chuyên đề dạy học ngoài nhà trường (Tế bào; Sự đa dạng và phong phú của thế giới sinh vật) là hơi ít, nhiều học sinh kiến nghị có thêm các tiết học tương tự ở những nội dung và bộ môn khác”, bà Phương thông tin thêm. 
Tại quận 8, theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT Nguyễn Xuân Mai, năm học 2016-2017, toàn bộ 12 trường THCS trên địa bàn quận đã tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm sáng tạo tại Thảo Cầm viên. Trong đó, tỷ lệ học sinh toàn quận đăng ký tham gia đạt hơn 79%, một số đơn vị như THCS Dương Bá Trạc, THCS Chánh Hưng, THCS Bình Đông có 100% học sinh đăng ký.
Cũng theo bà Mai, đây là tiết học tổ chức trên tinh thần đăng ký tự nguyện của học sinh nên những em nào không tham gia tiết học tại Thảo Cầm viên vẫn được tham gia tiết học ngoài phạm vi lớp học ở sân trường, hoặc tại Hội Sinh vật cảnh ngay trên địa bàn quận. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vé vào cổng và chi phí đi lại giữa các điểm tham quan, học tập.
Bà Mai bày tỏ: “Tham gia tiết học ngoài nhà trường, học sinh được tự mình tìm ra những kiến thức mới trên cơ sở các kiến thức đã học ở trường và những gì trải qua trong thực tế. Qua đó, các em phát huy được vai trò trung tâm, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, đồng thời biết quan tâm, chia sẻ với các bạn xung quanh khi cùng tham gia hoạt động nhóm, rèn luyện thêm các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng lắng nghe và phát biểu…”.   
Nghiên cứu vấn đề chi phí
Mặc dù được các đơn vị tham gia thí điểm đánh giá là hình thức tổ chức lớp học mới mẻ, kết hợp được học tập, nghiên cứu với giải trí, thực hành, qua đó làm giảm áp lực học tập cho học sinh, nhưng theo phản ánh của nhiều đơn vị, chi phí 200.000 đồng/học sinh/lần tham gia là quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân thành phố.
Sôi nổi với tiết học ngoài nhà trường ảnh 2 Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản (TPHCM) tham gia tiết học trải nghiệm tại Thảo Cầm viên
Hiệu trưởng một trường THPT thực hiện phép so sánh, học phí trong một tháng ở bậc phổ thông theo quy định hiện nay của TP chỉ hơn 100.000 đồng/học sinh/tháng. Trong khi đó, tham gia tiết học kéo dài từ 2 - 3 tiếng ngoài nhà trường phải trả chi phí gấp đôi.
Đó cũng là lý do vì sao ở một số khu vực vùng ven, huyện ngoại thành, phụ huynh chưa tin tưởng, ủng hộ mô hình thí điểm này. Từ thực tế đó, ông Cao Minh Chính, đại diện Trường Trương Vĩnh Ký (quận 11), kiến nghị Sở GD-ĐT tham mưu UBND TPHCM tổ chức thêm một số chuyến xe buýt để chở học sinh từ các quận, huyện đến tham quan, học tập tại Thảo Cầm viên.
Ông Chính lý giải, chi phí đi lại bằng xe buýt trong những tuyến đường nội thành hiện nay rất rẻ vì được trợ giá, nhưng không phải khung giờ nào cũng hoạt động hiệu quả.
Để tổ chức tiết học tại các địa điểm bên ngoài, nhà trường phải hợp đồng xe vận chuyển học sinh với chi phí rất cao, đòi hỏi sự đóng góp từ phía phụ huynh. Do đó, nếu tận dụng được các hình thức vận chuyển hành khách công cộng sẽ kéo giảm chi phí tổ chức, qua đó sẽ có thêm sự ủng hộ của phụ huynh. 
Đáp lại mong mỏi này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), cho biết nếu sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng với số lượng học sinh lớn, sở phải cân nhắc, tính toán lại vì sự an toàn của chính các em.
Trước mắt, để chuẩn bị cho năm học mới, các trường cần nghiên cứu, đưa hoạt động này vào kế hoạch tổ chức ngay từ đầu năm học, phổ biến cho phụ huynh ngay trong cuộc họp đầu năm để nâng số lượng học sinh đăng ký, qua đó góp phần đẩy mạnh chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường sự kết nối giữa nhà trường - gia đình và học sinh.
Theo Sở GD-ĐT, năm học 2016-2017, TPHCM có 94 trường THCS và 21 trường THPT tham gia thí điểm mô hình tiết học ngoài nhà trường. Trong đó, có 23.507 học sinh bậc THCS (tập trung nhiều ở hai khối 6 và 7) và 5.181 học sinh THPT (chủ yếu ở khối 11) tham gia tiết học trải nghiệm.
Sở GD-ĐT đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình này đối với bậc tiểu học, đồng thời phát triển tiết học trải nghiệm liên môn đối với bậc THCS và THPT, chứ không chỉ trong nội bộ môn Sinh học như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục