Soi lại quy trình cách ly phòng dịch đối với tổ bay chở khách từ các nước về Việt Nam

Tiếp viên hàng không và phi công luôn là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, vậy ngành y tế đã có quy định như thế nào đối với những trường hợp này? Qua trường hợp 2 bệnh nhân 1.342 và bệnh nhân 1.347, liệu có nên xem lại quy trình cách ly phòng dịch đối với tổ bay chở khách từ các nước về Việt Nam?

Cách ly tập trung tổ bay như thế nào?

Ngày 2-7-2020, Bộ Y tế đã có công văn số 3588/CV-BCĐ V/v áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines. Nội dung tại công văn này sau đó cũng được áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không có chở khách từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đó, đối với phi công trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, khi về đến Việt Nam, phải thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu phi công, các thành viên tổ bay và tất cả hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì phi công được phép rời khỏi khu cách ly tập trung và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24h trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).

Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.

Các thành viên như tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, mặt đất, điều phối bay… trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, khi về đến Việt Nam, cũng thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu tất cả hành khách và các thành viên tổ bay có 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính (xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu lần 1), thì các thành viên được phép rời khỏi khu cách ly tập trung và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trách nhiệm của người được cách ly

Đến ngày 1-8, Bộ Y tế là có hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh Covid-19. Theo đó, người được cách ly cần chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.

Hàng ngày, người được cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

Người được cách ly phải thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở; không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú; không ăn chung với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

Về trường hợp ca bệnh mới vừa được công bố tại TPHCM, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) từ ngày 14 đến 18-11, bệnh nhân 1.342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân 1.325).

Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân 1.342 được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình). Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và hai người bạn. Trong đó, người bạn nam (SN 1988, trú tại phường 3, quận 6) có tới sống cùng. Ngày 28-11, bệnh nhân 1.342 được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính.

Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam cho kết quả dương tính, trở thành bệnh nhân 1.347.

Vấn đề đặt ra là vì sao các thành viên của tổ bay có 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính (xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu lần 1), thì được phép rời khỏi khu cách ly tập trung và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong khi đó các hành khách trên cùng chuyến bay vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày. Liệu đây có phải lỗ hổng trong quy định. Và phải chăng chính lỗ hổng này đã dẫn đến trường hợp bệnh nhân 1.347.
Có lẽ cần soi lại quy trình cách ly phòng dịch đối với tổ bay chở khách từ các nước về Việt Nam để có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Tin cùng chuyên mục