Sôi động thị trường M&A

Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor về chỉ số đầu tư mua bán, sáp nhập (M&A) đã đưa Việt Nam vào thị trường có hoạt động M&A năng động, tiềm năng nhất toàn cầu năm nay, với mức điểm 102, chỉ sau Mỹ (108,9 điểm). Đồng thời dự báo Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong tốp 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất năm 2021.
Sau khi M&A, Công ty Bia Sài Gòn đã đổi chủ. Ảnh: CAO THĂNG
Sau khi M&A, Công ty Bia Sài Gòn đã đổi chủ. Ảnh: CAO THĂNG

Năng động

Trong bối cảnh thị trường M&A toàn cầu bị tác động rất lớn bởi dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thị trường M&A 2020 của Việt Nam dù suy giảm mạnh (dự báo giá trị ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019; trong khi thị trường thế giới suy giảm 52%), nhưng vẫn xuất hiện những điểm sáng tích cực với nhiều thương vụ M&A lớn.

Giai đoạn từ tháng 6-2019 đến 10-2020, các ngành chủ yếu thu hút M&A tại Việt Nam là bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng. Điểm sáng đáng chú ý trong thời gian qua là việc các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam tiến hành tái cấu trúc, mở rộng hợp tác kinh doanh với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Hàng loạt thương vụ quy mô lớn đã được thực hiện bởi các tập đoàn Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group… Mới đây, vào đầu tháng 10-2020, Công ty CP Masan MEATLife (MML, thuộc Tập đoàn Masan) công bố khoản đầu tư giá trị 613 tỷ đồng để mua lại 51% cổ phần của Công ty 3F Việt, chính thức mở rộng sang lĩnh vực sản xuất thịt gia cầm. 

Trong khi đó, thị trường M&A vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2020 đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tiến hành 19 thương vụ. Nổi bật là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% (giai đoạn 2) dự án Grand Park của Vingroup, Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần từ Ngân hàng TMCP Phương Đông, Tập đoàn Bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba, Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

Đòn bẩy môi trường

Bước sang năm 2021, thị trường M&A được dự đoán tiếp tục gặp trở ngại khi dịch Covid-19 chưa có vaccine điều trị hiệu quả, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra chậm; trong khi căng thẳng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến động chính trị ở các nước tiếp tục gia tăng, tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Vốn đầu tư toàn cầu giảm sẽ ảnh hưởng đến thị trường M&A chung. 

Tuy nhiên, báo cáo Euromonitor nhận định có nhiều yếu tố cho thấy thị trường M&A Việt Nam sẽ phục hồi từ giữa năm 2021 và tăng tốc vào năm 2022. Yếu tố đầu tiên là sự kiện khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới tại Việt Nam. Giới đầu tư kỳ vọng, sự kiện này là động lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn và cổ phần hóa sẽ nhanh hơn.

“Trong điều kiện thuận lợi về môi trường chính trị, cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, giá trị M&A năm 2022 tại Việt Nam có thể đạt mốc 7 tỷ USD”, Euromonitor dự báo.

Thêm yếu tố nữa được đánh giá cũng tác động tích cực tới sự phục hồi của thị trường M&A đến từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… với làn sóng M&A trong ngành hàng bán lẻ sẽ bùng nổ mạnh mẽ. Yếu tố thứ 3 là văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được nhận định là dấu mốc quan trọng, góp phần vào việc đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính cũng như pháp lý có liên quan tại Việt Nam. Yếu tố tiếp theo là sự dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.

Thời gian qua, có 126 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam; hay mới đây, 15 doanh nghiệp Nhật Bản cũng lựa chọn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất là minh chứng cho xu hướng này. Cơ hội cho thị trường M&A khi dịch chuyển sản xuất sẽ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như chuỗi sản xuất, dịch vụ, tài chính…

Bộ KH-ĐT dự báo, tới đây xu hướng M&A sẽ tăng mạnh và điều đáng lo chưa phải ở những tháng qua mà là thời gian tới, khi doanh nghiệp quá ngưỡng chịu đựng thì họ sẽ phải “bán mình”. Ở TPHCM, xu hướng đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục vượt trội so với hình thức đầu tư trực tiếp (FDI). Thông tin từ Sở KH-ĐT TPHCM cho hay, 5 tháng qua đã có 1,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào TPHCM. Trong số này, riêng phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 1.923 lượt, với giá trị lên tới 1,23 tỷ USD, chiếm gần 77% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố.

Tin cùng chuyên mục