Sôi động hàng hóa ở miền Tây

Thời điểm này, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) đã hoàn tất và sẵn sàng đưa ra thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Không lo thiếu hàng 

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2019 của tỉnh đã hoàn tất; trong đó, chỉ riêng với hàng bình ổn thị trường đã có tổng giá trị 146,85 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp tham gia bình ổn gồm: Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, siêu thị Co.opmart Vị Thanh, siêu thị Co.opmart Ngã Bảy và Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam bộ - Chi nhánh Hậu Giang.

Dự kiến vào dịp tết năm nay, sức mua trên thị trường sẽ khả quan hơn do điều kiện kinh tế người dân khá hơn. Việc mua sắm chắc chắn sẽ tăng, góp phần thúc đẩy sức mua và nâng cao đời sống vật chất của người dân.

Theo thống kê của tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh tương đối ổn định, giá cả thị trường được kiểm soát tốt. Dù giá có tăng hoặc giảm ở một số mặt hàng nhưng mức độ biến động không lớn. Do vậy, người dân có thể an tâm sắm đồ tết. Dự báo giá cả hàng hóa tết năm nay sẽ không tăng hoặc có tăng cũng chỉ dao động nhẹ, đảm bảo ổn định để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.

Tại TP Cần Thơ, ngay từ cuối quý 3-2018, các doanh nghiệp ở thành phố này đã tập trung sản xuất, dự trữ hàng hóa, đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; phục vụ chu đáo, an toàn, gắn với bình ổn thị trường.

Theo đó, hàng hóa thiết yếu phục vụ tháng trước tết được chủ động dự trữ gồm: gạo, tấm (gần 9.462 tấn); thịt heo (2.557 tấn); thịt bò (69,9 tấn); thịt gia cầm (988 tấn); cá các loại (2.732 tấn); trứng gia cầm (11.344.000 quả); bánh, kẹo, mứt (hơn 591 tấn); xăng dầu (198.000m3)... với tổng giá trị dự trữ hàng hóa trên 5.284 tỷ đồng.

Riêng về hàng bình ổn thị trường, đến nay TP Cần Thơ có 9 doanh nghiệp tham gia, giá trị nguồn hàng dự trữ thường xuyên khoảng 258 tỷ đồng, với 42 điểm bán lẻ. 

Sôi động hàng hóa ở miền Tây ảnh 1 Hàng hóa đã sẵng sàng phục vụ người dân mua sắm đón tết 
Tương tự, tại tỉnh Long An, theo Sở Công thương tỉnh này, hiện hàng hóa phục vụ tết đều đã được doanh nghiệp, nhà bán lẻ trong tỉnh dự trữ đầy đủ, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân.

Đơn cử tại huyện Bến Lức, Co.opmart Bến Lức dự trữ nguồn hàng lên đến 30 tỷ đồng, cam kết không tăng giá bán và có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên thu hút khá đông người tiêu dùng mua sắm. Hay tại huyện Kiến Tường, hàng hóa trên địa bàn không khan hiếm. 

Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho hay, chuẩn bị thị trường tết năm nay, tỉnh đã tăng nguồn hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường để bình ổn giá, trong đó mặt hàng gạo dự trữ 10.000 tấn các loại, đường 200 tấn. Thời điểm này, siêu thị Co.opmart Sóc Trăng đã trưng bày nhiều hàng hóa phục vụ tết với sản lượng tăng 5% - 15%, tùy theo nhóm hàng.

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết kế hoạch bình ổn thị trường và hàng tết năm nay của địa phương dồi dào hơn năm trước, tổng mức lượng hàng dự trữ tăng khoảng 20%, với sự tham gia của 21 doanh nghiệp, nhà phân phối bán lẻ.

Tăng cường giám sát thị trường

Với vai trò quản lý, sở công thương các tỉnh ĐBSCL thông tin sẽ làm tốt công tác dự báo tình hình, diễn biến thị trường hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Đồng thời tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong việc phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa trong tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Trong trường hợp có sự biến động lớn, các tỉnh sẽ phối hợp với nhau để điều động nguồn hàng bình ổn đển tăng cường theo như đã ký kết thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các sở công thương của TPHCM, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.

“Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt thị trường, làm tốt công tác dự báo để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ; đồng thời tăng cường kiểm soát để tránh tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường, ảnh hưởng đến an toàn của người tiêu dùng”, ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, khẳng định.

Theo nhận định của ngành công thương các tỉnh ĐBSCL, cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng, vì thế chương trình bình ổn thị trường sẽ góp phần cân đối cung - cầu, ổn định giá cả và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp này.

Chương trình còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp uy tín mở rộng hoạt động kinh doanh, thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để tránh mua phải các loại hàng giả, hàng nhái vào thời điểm thị trường có lượng hàng hóa đa dạng, dồi dào như hiện nay, người tiêu dùng cần cẩn trọng, lựa chọn những địa điểm mua sắm tin cậy để có sản phẩm đạt chất lượng.

Với sự chuẩn bị về đường hướng và hành động từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng tết như vậy, có thể thấy, người tiêu dùng các địa phương ĐBSCL có thể an tâm mua sắm và không lo thiếu hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục