Sóc Trăng tập trung giải quyết vướng mắc tại các dự án điện gió

Ngày 21-3, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã có công văn “hỏa tốc” chỉ đạo về việc giải quyết vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện gió trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

 

Một công trường điện gió tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Báo cáo từ Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh hiện có 20 dự án điện gió được phê duyệt, với tổng công suất 1.435 MW, trong đó trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có đến 18 dự án. Đến nay, đã có 17 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.295,2 MW và đang triển khai thi công 11 dự án. Hiện có 4 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại (gồm 26 trụ tua bin gió, tổng công suất 110,8 MW).

Dự kiến trong năm 2022, Sóc Trăng sẽ có thêm 6 dự án (tổng công suất 296 MW) đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất hòa lưới điện quốc gia lên 436,8 MW. Tuy nhiên, thời gian qua tại các dự án điện gió trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu liên tục xảy ra các vụ việc mâu thuẫn, xung đột kéo dài giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công và người dân.

Không để phát sinh “điểm nóng

Sau khi tiến hành khảo sát trực tiếp tại công trường và làm việc giữa các bên liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu: UBND thị xã Vĩnh Châu cần xác định giải quyết khó khăn, vướng mắc tại các dự án điện gió trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tranh chấp của người dân trong thời gian sớm nhất, không để tồn đọng, kéo dài và kiên quyết không làm phát sinh vụ việc mới.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khảo sát trực tiếp các dự án điện gió tại Vĩnh Châu

Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, tổng thầu giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, vận chuyển trang thiết bị, thi công các dự án điện gió, tránh để phát sinh các “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu, Tổ công tác của thị xã Vĩnh Châu cần chia thành từng nhóm nhỏ phụ trách từng nhóm vấn đề; rà soát tất cả các vụ việc, bám sát địa bàn và kịp thời xử lý từng vụ việc phát sinh. Xác định, phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tăng cường vận động, đối thoại với người dân theo từng vụ việc; phân loại, sàng lọc nhóm vụ việc khó khăn, vướng mắc và nhóm đối tượng để có phương pháp tuyên truyền, giải thích phù hợp; khi đối thoại phải chuẩn bị kỹ nội dung và phân công người am hiểu về pháp luật, có khả năng thuyết phục.

Người dân cắm cọc tre để ngăn cản quá trình thi công dự án điện gió

Trong quá trình tuyên truyền, vận động cần lưu ý rà soát và yêu cầu đảng viên, công chức, viên chức và người nhà bị ảnh hưởng bởi dự án chấp hành nghiêm, để tác động đến các hộ dân khác; chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết thì liên hệ sở, ngành liên quan để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Định kỳ hàng tuần, phải báo cáo kết quả thực hiện, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân và kế hoạch triển khai nhiệm vụ của tuần tiếp theo gửi về Tổ công tác cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Xử lý các tồn tại

Đối với các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo UBND thị xã Vĩnh Châu khẩn trương tuyên truyền, vận động, giải thích về chính sách bồi thường, hỗ trợ và yêu cầu các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không ngăn cản thi công, đảm bảo giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất.

Người dân chặn đường cản trở thi công để yêu cầu bồi thường thiệt hại tại cống tạm trong dự án điện gió

Trường hợp các hộ dân xung quanh vị trí các cống tạm (nơi có đường thuộc dự án đi qua) yêu cầu hỗ trợ thì kiểm tra nội dung kiến nghị, yêu cầu của từng hộ dân; nếu nội dung yêu cầu bất hợp lý, không có cơ sở giải quyết thì tuyên truyền, vận động, giải thích để các hộ dân chấp hành, chấm dứt việc kiến nghị, đưa ra yêu cầu bất hợp lý; kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp không chấp hành.

Việc các hộ dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng quá trình thi công gây hư hỏng nhà ở, công trình, thiệt hại tôm, cá... UBND thị xã Vĩnh Châu cần phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm tra thực tế, xác định thiệt hại. Nếu cần thiết có thể yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công thuê cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm định nội dung, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại… để làm cơ sở đối thoại, giải quyết dứt điểm theo đúng quy định pháp luật.

Sóc Trăng tập trung giải quyết vướng mắc tại các dự án điện gió ảnh 5 Vụ việc tập trung đông người tại một dự án điện gió trên địa bàn Vĩnh Châu

Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp kích động, gây rối, cố tình cản trở, đòi hỏi quyền lợi không hợp lý. 

Ngoài ra, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan xử lý ngay, dứt điểm các trường hợp đăng đáy, giăng dây, đặt chướng ngại vật trên luồng, cửa sông Mỹ Thanh gây cản trở các phương tiện đường thủy vận chuyển máy móc, thiết bị... thi công các dự án điện gió. Đồng thời, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp sở ngành làm việc với chủ đầu tư các dự án điện gió để chấn chỉnh, chấm dứt việc tự ý thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ hoặc chi tiền cho các tổ chức, cá nhân để phục vụ triển khai các dự án điện gió mà không thông qua chính quyền địa phương.

Sóc Trăng tập trung giải quyết vướng mắc tại các dự án điện gió ảnh 6 Hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hõ trợ đối với "Hành lang an toàn của cột tháp điện gió"

Thiếu cơ chế bồi thường, hỗ trợ đối với hành lang an toàn trụ điện gió


Theo Thông tư số 02/2019/TT-BCT (ngày 15-1-2019) của Bộ Công thương thì hành lang an toàn của cột tháp gió là nửa hình cầu, có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng chiều cao cột tháp gió cộng với bán kính cánh quạt tua bin.

Thông thường mỗi tháp trụ điện gió có chiều cao khoảng 120m, mỗi cánh quạt dài khoảng 75m. Như vậy, tuỳ thuộc vào thiết kế của trụ tua bin tại từng dự án mà hành lang an toàn tháp gió có bán kính khoảng 200 – 220m, tương ứng với diện tích đất thuộc hành lang an toàn từ 12,5 – 15 ha/trụ tua bin.

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực tế, nhiều trụ tua bin tại các dự án điện gió trên đất liền có phần hành lang an toàn lấn qua phần đất, nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi… của người dân. Thế nhưng, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc có hay không chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Trường hợp có bồi thường, hỗ trợ thì cũng cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách để địa phương áp dụng triển khai.

Hiện, tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản kiến nghị, xin ý kiến đối với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan đối với cơ chế, chính sách hành lang an toàn của cột tháp gió.

Tin cùng chuyên mục