Sóc Trăng làm việc với các đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu

Ngày 11-10, UBND tỉnh Sóc Trăng có buổi làm việc với các đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu trên địa bàn để tháo gỡ các khó khăn và tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung.

Quang cảnh buổi làm việc

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 431 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Trong đó, có 20 cửa hàng ngừng hoạt động do liên quan đến pháp luật, 10 cửa hàng đang chờ chuyển nhượng hoặc cho thuê và 7 cửa hàng ngừng hoạt động tạm thời do sửa chữa.

Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng các cửa hàng hết xăng dầu cục bộ, một số cửa hàng treo biển hết hàng hoặc chỉ bán cầm chừng. Nguyên nhân được chỉ ra là các thương nhân đầu mối, doanh nghiệp phân phối không có hoặc cung ứng nhỏ giọt cho các đại lý.

Đại diện Petrolimex chi nhánh Sóc Trăng cho biết: Do ảnh hưởng từ nguồn cung hạn chế xăng dầu của thế giới, cũng như thị trường xăng dầu trong nước, nên xuất hiện việc nhập xăng dầu cầm chừng để chờ điều chỉnh chi phí và giá bán hợp lý. Do đó, các đầu mối không đủ xăng lượng cung cấp cho các đơn vị, nên có nhiều cây xăng đóng cửa ảnh hưởng đến nguồn cung cho sản xuất, sinh hoạt.

Hệ thống Petrolimex Sóc Trăng vẫn đảm bảo nguồn cung cho 31 cửa hàng và 14 đơn vị kinh doanh nhượng quyền. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, Petrolimex đang chịu sức ép rất lớn khi phải tăng sản lượng lên gấp đôi. Lý do là các cửa xăng dầu tư nhân đóng cửa hoặc bán cầm chừng nên nhu cầu sẽ đổ dồn qua Petrolimex. Theo dự báo, nguồn xăng dầu sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới, nhất là xăng 95.

Sóc Trăng làm việc với các đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu ảnh 2 Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tình hình hoạt động của các cửa hàng xăng dầu

Đại diện Công ty CPTM Đầu Tư Dầu Khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết: Tổng sản lượng bán ra thị trường Sóc Trăng từ đầu năm đến cuối tháng 9  là hơn 23,5 triệu lít xăng dầu các loại. Hiện lượng hàng tồn của NSH Petro Sóc Trăng đối với xăng 95 là hơn 1,5 triệu lít, dầu còn tồn 3,5 triệu lít, với số lượng tồn trên sẽ đảm bảo nguồn cung đến cuối năm 2022. Do tình hình các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, có doanh nghiệp mất khả năng tài chính, tạm thời ngưng hoạt động nên người tiêu dùng tập trung về hệ thống NSH Petro, dẫn đến sản lượng tăng đột biến gây khó khăn cho công ty.

Đại diện các đơn vị đầu mối đề nghị, UBND tỉnh cần kiến nghị với Bộ Công thương và Bộ Tài chính tính đúng, tính đủ chi phí và giá bán hợp lý, sao cho đơn vị kinh doanh xăng dầu có lãi để tiếp tục duy trì kinh doanh, phục vụ sản xuất và người tiêu dùng.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tê, xã hội của địa phương, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, các công trình trọng điểm trên địa bàn cũng sẽ thiếu nhiên liệu để triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cần chia sẻ với tình hình khó khăn chung, đảm bảo cam kết cung ứng xăng dầu đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết, nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Tin cùng chuyên mục