Sở Xây dựng Đà Nẵng đề xuất dừng hoạt động chung cư Monarchy (block B) để khắc phục sai phạm

Ngày 10-6, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng về những tồn tại, vướng mắc tại Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Monarchy (block B) mặc dù chưa nghiệm thu nhưng đã đưa dân vào ở.
Chung cư Monarchy (block B) chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở
Chung cư Monarchy (block B) chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở

Qua kết quả rà soát và ý kiến của các sở ngành liên quan, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng xét thấy tại dự án có một số tồn tại, vướng mắc như: Dự án đã được triển khai xây dựng, tuy nhiên hiện tại chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở pháp lý thực hiện các thủ tục khác có liên quan.

Chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục có liên quan, như: nghĩa vụ tài chính; nghiệm thu công trình; nghiệm thu PCCC; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường... để đưa công trình vào sử dụng.

Dự án chưa được Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng, nghiệm thu công tác PCCC theo đúng quy định nhưng đã bàn giao nhà cho người dân vào ở nên không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng, nguy hiểm đối với người và tài sản là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về PCCC và pháp luật về xây dựng.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, từ ngày 1-1-2021, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành, chỉ quy định thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở KH-ĐT, tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư”.

Tại khoản 4 Điều 115 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định: “a Đối với dự án đã xác định được chủ đầu tư theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xác định chủ đầu tư và đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 mà chưa được giải quyết trước ngày 1-1-2021 thì được tiếp tục thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. b) Đối với dự án chưa xác định được chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 mà chưa được giải quyết trước ngày 1-1-2021 thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này”.

Từ cơ sở nêu trên, Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị 2 phương án xử lý:

- Phương án 1: Không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vì việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi dự án đã triển khai thực hiện là không đúng quy định. Yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng hoàn thiện thủ tục chấp thuận nghiệm thu hệ thống PCCC, môi trường, kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Sau khi hoàn thành các yêu cầu nêu trên, dự án trên thuộc loại hình bất động sản có sẵn, việc kinh doanh bất động sản áp dụng theo quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (không có quy định về thông báo của cơ quan chức năng về nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán).

Về phương án này, thuận lợi là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, khó khăn là hiện tại, Chủ đầu tư chưa thực hiện một số các thủ tục có liên quan, trong đó có thủ tục xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để bán, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất.

- Phương án 2: Tiếp tục thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án theo Luật Nhà ở năm 2014 được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 115 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định.

Phương án này có thuận lợi là đảm bảo pháp lý để thực hiện các thủ tục có liên quan còn lại của dự án như: Thủ tục xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện để bán, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất, thủ tục nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng... Tuy nhiên, khó khăn là vi phạm nguyên tắc về đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2020.

Về thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án, đề nghị Sở TN-MT sớm tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng phê duyệt nghĩa vụ tài chính phát sinh do điều chỉnh quy hoạch của dự án. Cục Thuế TP Đà Nẵng thực hiện việc thông báo, thu hồi về ngân sách số tiền sử dụng đất thất thu, 10% tiền sử dụng đất đã giảm theo Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án theo quy định.

Về khắc phục hậu quả do Chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho người dân vào ở khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định, tại cuộc họp ngày 28-5-2021, Sở Xây dựng đã đưa ra 2 phương án để các đơn vị có liên quan góp ý, đề xuất:

- Phương án 1: Tạm thời vẫn để người dân (đã ở tại chung cư) vẫn tiếp tục ở. Đồng thời, yêu cầu Chủ đầu tư phải có giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Phương án này nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh khiếu kiện đông người.

- Phương án 2: Yêu cầu dừng hoạt động công trình, đồng nghĩa với việc phải di dời dân ra khỏi công trình.

Sở Xây dựng xét thấy giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản (vẫn ở lại công trình) là không khả thi. Do vậy, Sở Xây dựng đề nghị sử dụng phương án 2 để thực hiện.

Qua tìm hiểu pháp luật về xây dựng và pháp luật về PCCC, Sở Xây dựng xét thấy pháp luật về PCCC quy định cụ thể và đầy đủ các thủ tục để tạm dừng hoạt động công trình (dừng hoạt động công trình nếu không khắc phục sau thời hạn quy định) do không đảm bảo điều kiện về PCCC.

Do vậy, Sở Xây dựng Đà Nẵng đề xuất thông qua các quy định của pháp luật về PCCC để thực hiện, cụ thể: Giao Công an TP Đà Nẵng kiểm tra, xem xét tạm đình chỉnh hoạt động (đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục sau thời hạn quy định - tối đa 30 ngày) do vi phạm trong lĩnh vực PCCC, đồng thời xử lý vi phạm hành chính (nếu có).

Trên cơ sở văn bản tạm đình chỉnh hoạt động (đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục sau thời hạn quy định) của cơ quan công an, yêu cầu Chủ đầu tư tạm dừng hoạt động công trình; có trách nhiệm tổ chức di dời người dân ra khỏi công trình. Đồng thời, có trách nhiệm đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các cư dân, giải quyết các phát sinh trong quá trình thực hiện (nếu có). UBND quận Sơn Trà tổ chức thực hiện việc cưỡng chế tạm dừng hoạt động (dừng hoạt động công trình) trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện.

Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng căn cứ các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để chấm dứt hợp đồng cung cấp điện theo đúng quy định. Đồng thời, có trách nhiệm ngừng cung cấp điện sau khi cơ quan công an ban hành văn bản tạm dừng hoạt động công trình.

Công an quận Sơn Trà căn cứ các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng để rà soát, thu hồi Sổ đăng ký tạm trú đã cấp và quản lý cư dân theo đúng quy định.

Đối với thủ tục về nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan đến tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định của Luật Xây dựng 2014 (điều chỉnh, bổ sung năm 2020). Trong thời gian chưa hoàn thành các thủ tục có liên quan, nghiêm cấm Chủ đầu tư tiếp tục kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện; bàn giao căn hộ có khách hàng vào ở.

Theo Báo cáo của UBND quận Sơn Trà, hiện chung cư Monarchy (block B) có 246 căn hộ đã ở trên tổng số 474 căn hộ đã bàn giao, trong đó ở chính chủ 73 căn hộ và cho thuê 173 căn hộ. Đối chiếu với thời điểm lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính mà UBND quận Sơn Trà lập, tham mưu cho Chủ tịch UBND UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 672/QĐ-XPVPHC ngày 1-3-2021 có sự thay đổi tăng về số lượng căn hộ bàn giao. Do vậy, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Sơn Trà tiếp tục tham mưu xử lý vi phạm hành chính về sai phạm này của Chủ đầu tư.

Giao UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến dự án như: Hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân lại dự án, công tác PCCC, an ninh trật tự, an toàn giao thông... nếu phát hiện vi phạm thì xử lý hoặc kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trong đó, chú ý tổ chức triển khai Quyết định xử lý vi phạm hành chính số 1990/QĐ-XPVPHC ngày 29-5-2021 theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục