Sợ mình chọn sai

“Lo mà chạy deadline kìa”, “KPI đợt này căng đét”, “Đi đâu để có gấu”… những dòng tin nhắn của nhóm bạn cứ liên tục bàn về chuyện Chính phủ khuyến khích thanh niên lập gia đình và sinh con trước 30...
Nhiều bạn trẻ ngại kết hôn khi mọi thứ chưa thật sự sẵn sàng, nhất là tài chính. Ảnh minh họa
Nhiều bạn trẻ ngại kết hôn khi mọi thứ chưa thật sự sẵn sàng, nhất là tài chính. Ảnh minh họa

1. Nhóm bạn tôi không quá giỏi giang hay giàu có, nhưng không đến nỗi không tìm được cho mình một đối tượng để tìm hiểu. Có đứa cũng qua vài mối tình nhưng không đến đâu, dồn hết tâm sức vào công việc. Bây giờ, trưởng thành hết rồi, có lẽ công việc ít làm người ta thất vọng hơn tình cảm. 

Một anh bạn khác đang tìm hiểu mà dường như cũng đã kết thúc vì nghe đâu không hợp tính. Vài đứa khác thì có mặt đủ các diễn đàn, hội nhóm tìm người yêu trên mạng xã hội và có sẵn vài ứng dụng tìm người yêu trên điện thoại, thậm chí là chịu trả phí hàng tháng, nhưng rồi lại kết luận: “Nhiều lựa chọn quá lại sợ mình chọn sai”. 

Ở tuổi 28, nhưng vẫn vô tư trước chuyện lập gia đình, thi thoảng bạn tôi khó chịu khi bị hỏi: “Bao giờ cưới?”. Những ngày sau, trang cá nhân lại cập nhật hình ảnh đang check-in du lịch, quán cà phê đẹp, hay bận rộn với công việc ở văn phòng, mọi lời thúc giục về chuyện lấy chồng dường như không ảnh hưởng nhiều đến cô bạn. “Khi thật sự sẵn sàng hãy cưới, còn là duyên số nữa. Vội vội vàng vàng vì mấy lời nói bên ngoài, lỡ mà dang dở thì mình chịu chứ ai”, bạn tôi tâm sự.

2. Vừa ngừng sau một hồi lướt một ứng dụng tìm người yêu, anh bạn thổ lộ: “Không phải tui ế đến nỗi phải tìm người yêu trong mấy cái app này, nhiều khi có nhiều kết nối, nhiều lựa chọn thành ra bất tiện, cứ suy nghĩ không biết hẹn hò với ai thì thích hợp. Nhiều đứa nay hẹn hò với người này, mai lại cà phê với người kia, cuối cùng cũng không đi đến đâu chỉ mất thời gian. Có lúc chỉ tìm người, nhắn tin một chút rồi thôi, tới lúc ngỏ lời hẹn hò, gặp mặt thì lại lười”.

Một video, hình ảnh hay bài viết thu hút nhiều lượt like, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, lập tức người ta được nhiều người biết đến, thậm chí là nổi tiếng. Với sự hỗ trợ của mạng xã hội, “tiếng lành đồn xa” và tiếng xấu lại đồn xa hơn, những video đánh ghen, bóc phốt người yêu, dù là thật hay dàn dựng câu like, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Không ít người không hứng thú với chuyện tình cảm có lẽ một phần cũng do ảnh hưởng bởi những điều này.

Trò chuyện cách nhau một màn hình như một thói quen, lâu dần nó khiến người ta ngày càng ngại tương tác trực tiếp. Tuy nhiên, tìm kiếm một mối quan hệ tình cảm trên các ứng dụng cũng khó hơn việc gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp. Như câu chuyện của anh bạn tôi ở trên. “Nhắn tin qua lại vậy mà dễ chia sẻ, cũng mấy lần tôi hẹn hò mà gặp nhau rồi không biết nói gì, thấy mình thiếu tự tin hẳn. Sau đó, cũng thấy chán chán thế nào, nên chỉ nói chuyện thôi chứ không có hẹn gặp nữa”, bạn tôi kể.

3. Cơm áo gạo tiền luôn là mối bận tâm chung của mọi người, khi công việc còn chưa ổn định kéo theo thu nhập không đáng kể, bạn trẻ lại càng ngán ngẩm chuyện kết hôn. Chi phí cho một đám cưới dù nhỏ nhưng kèm theo đó là những ngày phải có trách nhiệm với cả hai bên gia đình, khiến người ta thấy áp lực cho một cuộc hôn nhân khi mọi thứ chưa thật sự sẵn sàng, nhất là tài chính. 

“Quê tôi, 18-20 là cưới, có khi tay bế tay bồng rồi, nhưng cũng không được bền lâu, có với nhau một mặt con thì đủ thứ lý do cãi vã rồi chia tay mà phần nhiều là do kinh tế gia đình không ổn định. Bản thân tôi thấy, công việc ổn định, kinh tế có dư một chút thì chuyện tình cảm hay cưới hỏi cũng dễ chịu hơn...”, Minh Sang (26 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận 12, TPHCM) chia sẻ.

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người trẻ dần thu mình. Cần sự ổn định về kinh tế, chín chắn trong suy nghĩ để tiến đến hôn nhân là điều cần thiết. Thực chất, kết hôn trước 30 tuổi hay sau 30 tuổi, quan trọng nhất là sống hạnh phúc và lâu bền. Đó mới là thước đo của hôn nhân.

Tin cùng chuyên mục