Sở hữu trí tuệ là sức mạnh cạnh tranh

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, trong thời đại KH-CN phát triển như vũ bão hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội. SHTT hiện đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Ở nước Mỹ, một số các hãng công nghệ nắm tài sản về SHTT các giá trị công nghệ lớn, như Google, Apple, Uber, Facebook, Microsoft… Có thể nói, tài sản vô hình là đặc tính của nền kinh tế hiện đại, gắn liền với các nước phát triển công nghiệp.

Thời gian qua, mặc dù nền móng cho hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc; nhưng hiện trạng của chính hệ thống này, cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và hành động để thúc đẩy hoạt động này. Có thể kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg, ngày 22-8-2019; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12-11-2018, có hiệu lực với Việt Nam ngày 14-1-2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên ký kết ngày 30-6-2019 tại Hà Nội. Ngày 14-6-2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định CPTPP mà Việt Nam phải thi hành ngay từ khi hiệp định có hiệu lực…

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, để thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030 cũng như các mục tiêu đề ra, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT...

Trong đó, phải hình thành văn hóa SHTT trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về SHTT. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT hiện nay là phải xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin cùng chuyên mục