Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 2 tháng tăng 46,2%

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thật kỹ, đánh giá chính xác tình hình 2 tháng, dự báo tình hình tháng 3 và cả quý I để đề ra mục tiêu sát thực tế, có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo để quý I tiếp tục đà phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.  
Chính phủ họp thường kỳ tháng 2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chính phủ họp thường kỳ tháng 2. Ảnh: VIẾT CHUNG

 Ngày 3-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022. Cùng dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Phiên họp tập trung thảo luận về một số nội dung chính: tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Dự thảo chương trình phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TPHCM; công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games lần thứ 31…

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được giữ vững; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42%, 2 tháng tăng 1,68%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Tín dụng tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Thương mại, dịch vụ khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1%; khách quốc tế tháng 2 tăng 49,6% so với tháng trước, tăng 169% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ, đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng chính sách.

Báo cáo cũng cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm đạt 8,61% kế hoạch, cao hơn 5,09% so với cùng kỳ, thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm ngay từ đầu năm. Vốn FDI đăng ký tăng thêm trong 2 tháng tăng 123,8%, cho thấy nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta. Xuất nhập khẩu tháng 2 tăng 17,6%; tính chung 2 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu tăng 10,2%, nhập khẩu tăng 15,9%.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 2 tháng tăng 46,2% ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong tháng 2 số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 2 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết, tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Bám sát diễn biến dịch và khả năng ứng phó trên toàn quốc, chỉ đạo thống nhất các biện pháp; ban hành Công điện 170/CĐ-TTg về việc tiêm vaccine và một số biện pháp đẩy mạnh phòng, chống dịch; chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp; bảo đảm an toàn trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022. Tăng cường điều trị tại nhà người mắc Covid-19 nhẹ và không triệu chứng; theo dõi sát những người có nguy cơ chuyển nặng như người già, người có bệnh nền.

Cũng theo Bộ Y tế, triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, khẩn trương tiêm vét; chuẩn bị điều kiện, đẩy nhanh nhập khẩu để tổ chức tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 218 triệu liều, tiêm gần 202 triệu liều; người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1,2,3 tương ứng là 100%, 97,9%, 34,5%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 83%, 49,1%; trên tổng dân số, tỷ lệ bao phủ tiêm 1 liều đạt 98,6%, 2 liều đạt 93,1%. Bộ Y tế cũng đã thực hiện cấp phép sản xuất, lưu hành thuốc phòng, chống Covid-19, đồng thời công bố công khai giá bán…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 2 là tháng diễn ra Tết Nguyên đán, cũng là tháng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến mới với áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, nhất là giá xăng dầu tăng cao, tình hình xung đột ở Ukraine… tác động đến tình hình trong nước. Trong nước, dịch bệnh diễn biến phức tạp với biến thể Omicron lây lan rất nhanh, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình, dù ca mắc tăng nhanh, nhiều, song số ca chuyển nặng và tử vong vẫn được kiểm soát. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc và tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là khôi phục thị trường lao động…

Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình 2 tháng đầu năm khởi sắc, phục hồi trên tất cả các mặt, nhưng trong tháng 3 lại xuất hiện những khó khăn mới. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thật kỹ, đánh giá chính xác tình hình 2 tháng, dự báo tình hình tháng 3 và cả quý I để đề ra mục tiêu sát thực tế, có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo để quý I tiếp tục đà phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2022.

Tin cùng chuyên mục