Số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam tăng

Ngày 28-4, Viện Pasteur TPHCM cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại khu vực phía Nam tính đến tuần 16 năm 2022 giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN

Một số tỉnh, thành phố nằm trong danh sách tăng nhanh tỷ lệ SXH nặng gồm: khu vực Đông Nam bộ (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang).

Theo ước tính, trong các tháng sắp tới, dịch SXH có nguy cơ tăng cao tại TPHCM, Viện Pasteur TPHCM khuyến cáo cần phát động chiến dịch diệt lăng quăng đồng loạt và duy trì hàng tuần, phun chủ động, dập dịch khi đủ điều kiện, kiểm tra và giám sát thường xuyên… Bệnh SXH nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, tử vong do SXH có khả năng gia tăng khi bệnh nhân thường có tâm lý lo ngại đến bệnh viện dẫn đến việc chậm trễ điều trị. Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh SXH như sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi... cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

 - Ngày 28-4, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch SXH. Trước diễn biến số ca mắc SXH có chiều hướng tăng do bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SHX lần thứ 12 (15-6) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống SHX trước mùa dịch.

Các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy; đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy.

Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch... Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 ca tử vong tại: Bình Dương (3 ca), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ nhưng tử vong tăng 1 ca.

Tin cùng chuyên mục