Sinh viên hưởng lợi từ chương trình đạt chuẩn kiểm định

Trong chiến lược phát triển, Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM luôn xác định chính sách về chất lượng là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, công tác đảm bảo chất lượng được ĐH Quốc gia TPHCM coi là nội dung cốt lõi, nhiệm vụ trọng tâm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. 
Các chuyên gia tham dự hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định” tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) ngày 14-10
Các chuyên gia tham dự hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua kiểm định” tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) ngày 14-10

Dẫn đầu cả nước về chương trình được kiểm định

Việc triển khai hiệu quả các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng đã góp phần tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ĐH Quốc gia TPHCM dẫn đầu khi tham gia xếp hạng đại học quốc tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên. 

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), là thành viên chính thức của AUN (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) từ năm 1999, ĐH Quốc gia TPHCM đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong phong trào đảm bảo chất lượng chung của khu vực. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn của AUN như xây dựng các tài liệu đảm bảo chất lượng, tham gia các khóa đào tạo kiểm định viên, tham gia hệ thống chuyển đổi tín chỉ… Trong đó, công tác đánh giá chất lượng cấp chương trình được ĐH Quốc gia TPHCM đặc biệt quan tâm. Đây là hình thức mà AUN sử dụng để nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các thành viên trong khu vực cũng như với đối tác trên thế giới, từng bước thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường ĐH trong khối. 

Tính đến tháng 10-2021, ĐH Quốc gia TPHCM có hơn 80 chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Trong đó, có 75 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA (chiếm hơn 50% của cả nước), 4 chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET (Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ của Hoa Kỳ), 7 chương trình đạt chuẩn CTI-ENAEE (chuẩn kiểm định kỹ sư Pháp và châu Âu), 1 chương trình đạt chuẩn kiểm định ACBSP (Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh của Hoa Kỳ) và 1 chương trình đạt chuẩn kiểm định FIBBA (Tổ chức Kiểm định chất lượng Chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế của Thụy Sĩ)... Cả 7 trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đã được đánh giá và công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế (Mỹ, châu Âu, AUN). Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa đạt chuẩn kiểm định cấp trường bởi tổ chức kiểm định HCERES (Pháp) và Trường ĐH Quốc tế đạt chuẩn kiểm định AUN. 

ĐH Quốc gia TPHCM cũng tiên phong và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng như: vận hành xuyên suốt hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong từ cấp ĐH Quốc gia TPHCM đến cấp trường thành viên, triển khai áp dụng đại trà nguyên lý CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành) trong đổi mới công nghệ đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ, áp dụng công cụ kiểm soát và quản lý chất lượng… góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa chất lượng trong toàn ĐH Quốc gia TPHCM. 

Sinh viên có nhiều lợi thế

Nói về 2 chương trình Kỹ thuật y sinh và Kỹ thuật Điện tử - Truyền thông đạt chuẩn kiểm định ABET, TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Trường đã dành 3 năm, từ năm 2016-2018, để chuẩn hóa toàn bộ hệ thống đánh giá, quy trình bảo đảm chất lượng bên trong, hệ thống bảo đảm chất lượng cấp trường; củng cố đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao; đầu tư cơ sở vật chất tối ưu phục vụ công tác dạy và học cũng như thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình và thủ tục đăng ký, kiểm định của ABET.

Hội đồng Kiểm định ABET là tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới, được cộng đồng doanh nghiệp, các trường ĐH đánh giá vào loại hàng đầu. Bất kỳ trường ĐH nào, một khi chương trình đào tạo được ABET kiểm định đạt chuẩn chất lượng, coi như chứng tỏ lợi ích rất lớn mang đến người học. Người học sẽ được học với các điều kiện đảm bảo chất lượng cao, đồng bộ từ chuẩn đầu ra, hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực quản trị chương trình, hệ thống giáo trình cập nhật mới, phương pháp giảng dạy tích cực, giúp phát huy năng lực của bản thân và đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp. Do vậy, người học có nhiều thuận lợi khi tham gia tìm kiếm việc làm và hội nhập với thị trường lao động quốc tế cũng như tiếp tục học lên cao hơn tại các trường ĐH uy tín. 

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, bộ tiêu chuẩn AUN-QA không tập trung vào đặc trưng riêng của chuyên ngành mà chú trọng đánh giá điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo của chương trình. Đó là chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất, sự hài lòng của các bên liên quan. Sinh viên là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động đánh giá này, bởi được học tập trong một môi trường cải tiến liên tục và đảm bảo chất lượng. Kết quả kiểm định AUN như một sự khẳng định với xã hội về chất lượng sản phẩm đầu ra của chương trình, tạo cơ sở cho các trường tham gia chuyển đổi tín chỉ và trao đổi sinh viên trong khu vực Đông Nam Á.

TS Võ Đại Nhật, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng: Việc đạt kiểm định chuẩn quốc tế của các chương trình đào tạo đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên và nhà trường. Các chứng nhận kiểm định sẽ thể hiện sự cam kết về chất lượng đào tạo của nhà trường đối với sinh viên, phụ huynh, nhất là các đơn vị sử dụng lao động. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế sẽ có nhiều lợi thế tuyển dụng. Cụ thể, các tổ chức kiểm định mà trường được đánh giá đều là thành viên của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu, Mỹ. Đây là cơ hội cho sinh viên tham gia chuyển đổi tín chỉ với các trường ĐH trên thế giới, trúng tuyển sau ĐH cũng như tìm kiếm việc làm ở các nước châu Âu và Mỹ.

“Chất lượng là vấn đề sống còn của đại học trong bối cảnh hội nhập với khu vực và quốc tế. Chất lượng giáo dục đại học không thể nói suông mà phải có minh chứng, và minh chứng không chỉ là đạt chuẩn trong nước mà phải đạt chuẩn khu vực, chuẩn quốc tế. Một khi chương trình hoặc cơ sở đào tạo đạt được các chuẩn kiểm định uy tín, khắt khe của các tổ chức kiểm định quốc tế sẽ đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho người học cũng như cơ sở đào tạo”

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM

Tin cùng chuyên mục