Siêu bão Goni mạnh cấp 17

Tính đến 18 giờ tối 31-10, thiệt hại về con người từ bão số 9 gây ra là 79 người. Còn nếu tính từ khi xảy ra mưa lũ ở miền Trung, từ ngày 6-10 đến nay thì tổng cộng có 229 người thiệt mạng và mất tích. Trong khi ngoài khơi, cơn bão Goni đạt cấp 17, đang tiến dần vào Biển Đông.
Cảnh nhà dân bị tốc mái do bão số 9 ở miền Trung. Ảnh: SGGPO

Theo số liệu cập nhật đến 18 giờ tối 31-10 từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tổng số nạn nhân chết và mất tích do bão số 9 và mưa lũ sau bão là 79 người.

Trong đó, số nạn nhân do sạt lở đất và đắm tàu là chủ yếu. Cụ thể có 2 người do lũ, 45 người do sạt lở đất, 23 người do bão (tàu chìm trên biển) và 9 người do nguyên nhân khác.

Trước đó, từ ngày 6-10 đến 21-10 đã có 150 người chết và mất tích. Trong đó, 65 người do lũ, 64 người do sạt lở đất, 21 người do sự cố tàu trên biển và nguyên nhân khác.

Như vậy, tổng cộng 2 đợt là 229 người. 

Bão Goni là siêu bão

Trong khi đó, ngày 31-10, cơn bão Goni ở ngoài khơi Thái Bình Dương đã mạnh lên thành siêu bão. Chiều 31-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia đã phát tin “bão gần” với siêu bão này.

Theo nhận định, đây là cơn bão nguy hiểm, có tốc độ di chuyển nhanh, có thể tiếp tục đổ bộ vào Trung Trung bộ trong tuần tới.

Chiều 31-10, tâm siêu bão Goni ở khoảng 14,7 độ vĩ Bắc - 127,7 độ kinh Đông, chỉ còn cách miền Trung Philippines khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão đạt cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão này sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km, tiến vào miền Trung Philippines, giảm còn cấp 13-14, giật cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng, di chuyển chủ yếu theo Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10 trong năm 2020.

Dự báo hướng di chuyển của bão Goni do Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia phác họa ngày 31-10-2020

Khoảng chiều 2-11, tâm bão nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam, hoạt động ở cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, tiến vào vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa với cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12 rồi ổn định theo hướng Tây, hướng về vùng biển Trung Trung bộ.

Do xuất hiện cơn bão mới, chiều 31-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký Công điện số 34 gửi các tỉnh và thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa cùng các bộ có liên quan để đề nghị ứng phó với cơn bão này.

Quản chặt tàu thuyền, không để tái diễn sự cố như bão số 9

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và các bộ ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão mới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng đề nghị quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.

Chủ động rút nước đệm ở hồ đập để đón mưa bão lũ mới

Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng đề nghị tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy lợi, thủy điện; đối với các hồ đập xung yếu cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Huy động mọi phương tiện, nguồn lực nhanh chóng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc; khắc phục giao thông trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt.

Tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền thông cơ sở, liên tục cung cấp thông tin diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết và phòng tránh.

Tin cùng chuyên mục