Siết quy định khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế

Năm 2018, TPHCM được giao dự toán chi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) gần 10.000 tỷ đồng, thấp hơn gần 4.000 tỷ đồng so với năm 2017. 
Để đảm bảo mức dự toán giao, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM sẽ sớm dự toán chi khám chữa bệnh cho tất cả các cơ sở; thực hiện đúng quy định về tạm ứng, thanh toán cũng như kiểm soát, theo dõi chặt các khoản chi khám chữa bệnh BHYT trong thời gian tới. 
Siết quy định khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ảnh 1 Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện quận Thủ Đức
Kiểm soát vượt dự toán chi
Nhìn lại năm 2017, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết đơn vị đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 70 bệnh viện công lập, 73 bệnh viện tư nhân, 15 trạm y tế cơ quan, 145 trạm y tế phường, xã. Với gần 6,6 triệu thẻ BHYT, TPHCM được dự toán chi 14.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đã vượt dự toán với mức chi 16.372 tỷ đồng.
Nguyên nhân vượt là do tỷ lệ chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú còn cao, việc chọn lựa thuốc chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc giá cao trong điều trị. Ngoài ra, nhiều nơi xảy ra các trường hợp khám nhiều lần, không hoàn lại chi phí thuốc và xét nghiệm… Do đó, theo đại diện BHXH TPHCM, với dự toán chi 9.477,8 tỷ đồng mà TP được giao trong năm 2018, đòi hỏi các cơ sở y tế phải siết chặt hơn nữa việc chỉ định thuốc, hạn chế chỉ định kỹ thuật không hợp lý, để kiểm soát dự toán chi ban đầu.
Thông tin từ hội nghị giao ban trực tuyến quý 1-2018 của ngành y tế TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm, các cơ sở y tế trên địa bàn thu hút gần 9 triệu lượt khám chữa bệnh (tăng 7,9% so với cùng kỳ). Trong đó, tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT nội trú chiếm 71,7% (tăng 7,1% so với cùng kỳ).
“Đây là thách thức không nhỏ trong công tác quản lý khám chữa bệnh BHYT tại các bệnh viện trong năm 2018, khi việc xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện ra sao để vừa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, lại vừa không vượt dự toán và vượt trần”, bà Huyền nhấn mạnh. 
Đại diện BHXH TPHCM cũng cho biết sẽ sớm thông báo dự toán chi khám chữa bệnh để tất cả cơ sở y tế chủ động trong tính toán, xây dựng lộ trình thực hiện. Song song đó, BHXH TP kiên quyết thực hiện đúng quy định về tạm ứng, thanh toán cũng như theo dõi chặt việc chi khám chữa bệnh để đảm bảo trong phạm vi dự toán giao.
Đẩy mạnh liên thông dữ liệu
Theo bác sĩ Đinh Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú, các quy định thanh toán BHYT hiện còn chưa phù hợp với thực tế. Bác sĩ Hưng dẫn chứng, quy định thanh toán đối với những phẫu thuật mô phần mềm trên 15cm hay khối u vùng ngực phức tạp chỉ 120.000 đồng, trong khi chi phí trên thực tế cao hơn nhiều.
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chỉ rõ những bất hợp lý trong thanh toán khám chữa bệnh BHYT, như trong chụp CT Scanner, bệnh viện phải thực hiện 60 lát cắt cho bệnh nhân nhưng chỉ được thanh toán 32 lát cắt; chạy thận nhân tạo cấp cứu lại có giá thấp hơn chạy thận nhân tạo không cấp cứu; bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu thì buộc phải thở máy nhưng lại tính theo giờ, bệnh nhân vào phòng cấp cứu nằm đủ 4 giờ mới tính tiền, thấp hơn không được thanh toán… 
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sở đã thành lập tổ BHYT nhằm chủ động nắm bắt những vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế. Tổ BHYT sẽ giám sát thực tế để hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị còn khó khăn trong quản lý khám chữa bệnh BHYT, tham gia huấn luyện chuyên đề về quản lý khám chữa bệnh BHYT. Trước mắt, Tổ BHYT sẽ phối hợp với BHXH TPHCM tổ chức các khóa huấn luyện chuyên đề liên quan đến chuyển dữ liệu thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, nhằm cải thiện hơn nữa tình hình liên thông dữ liệu theo quy định. 
Đặc biệt, đại diện một số cơ sở y tế cho biết việc hướng dẫn của cơ quan cấp trên như Bộ Y tế và BHXH Việt Nam còn chậm, gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Việc liên thông dữ liệu lên cổng thông tin điện tử của cơ quan BHXH vẫn còn tình trạng nghẽn mạng thường xuyên, gây phiền hà cho người bệnh và gây khó khăn cho cơ sở y tế.
Ghi nhận những ý kiến này, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết các bệnh viện và cơ sở y tế cần ưu tiên chuyển dữ liệu đúng ngày, sau đó mới đến hiệu chỉnh dữ liệu để đúng hồ sơ. Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện tốt việc liên thông dữ liệu lên cổng điện tử hàng ngày, sau khi bệnh nhân kết thúc đợt điều trị. Việc chuyển dữ liệu lên cổng điện tử sẽ giúp cơ sở y tế quản lý tốt thông tuyến, hạn chế việc khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi; phát hiện sớm sai sót, qua đó điều chỉnh để quản lý tốt chi phí khám chữa bệnh. Song song đó, BHXH phải tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện hiệu chỉnh dữ liệu.
“Thời gian tới, nếu gặp sự cố trong chuyển dữ liệu lên cổng thông tin điện tử, các cơ sở y tế có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin của BHXH TPHCM để được xử lý và giải đáp ngay”, bà Lưu Thị Thanh Huyền cam kết.

Tin cùng chuyên mục