Siết kỷ cương, lành mạnh hóa môi trường mạng: Xử lý nghiêm minh, kịp thời

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài về “Siết kỷ cương, lành mạnh hóa môi trường mạng”,  Tòa soạn đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia, người dân xung quanh vấn đề này. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu ý kiến của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các chuyên gia về vấn đề này. 
Công an TPHCM làm việc với một người đưa tin sai sự thật. Ảnh: VĂN MINH
Công an TPHCM làm việc với một người đưa tin sai sự thật. Ảnh: VĂN MINH

LTS:  Quy định, quy tắc ứng xử trên môi trường mạng đã được các cơ quan chức năng ban hành từ rất sớm, nhưng thời gian qua, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn xảy ra liên tục, với nhiều hình thức, làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, quan trọng hơn là gây xáo trộn đời sống xã hội. Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài về “Siết kỷ cương, lành mạnh hóa môi trường mạng”, Tòa soạn đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia, người dân xung quanh vấn đề làm thế nào để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, kỷ cương, tôn trọng văn hóa và pháp luật. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu ý kiến của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các chuyên gia về vấn đề này. 

- Đồng chí TRẦN THANH LÂM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:
Tăng cường kiểm tra, rà soát, có giải pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả mạng xã hội
Sự phát triển mạnh mẽ, những tiện ích và mặt tích cực của các loại hình truyền thông trên Internet là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở nước ta, thời gian qua, bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại, như: tình trạng lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín tổ chức, cá nhân; quảng cáo, thông tin sai sự thật về sản phẩm; thông tin thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục đã ảnh hưởng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, nhất là đối với lớp trẻ. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới trên Internet, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã tán phát nhiều thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tình hình đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Những bất cập, hạn chế nêu trên đã được nhận diện, đề cập trong khá nhiều văn bản của Đảng trong thời gian qua. Gần đây nhất, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng xác định nhiệm vụ: “Quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội; tăng cường định hướng thông tin, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ”.
Để thể chế hóa các quan điểm, nhiệm vụ của Đảng, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, có giải pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả mạng xã hội, đặc biệt là những mạng xã hội xuyên biên giới; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý thông tin trên Internet, nhất là các quy định đối với những tài khoản mạng xã hội của tổ chức, cá nhân người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng trên môi trường truyền thông số (KOLs); kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, lợi dụng mạng xã hội tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, đạo đức và các chuẩn mực xã hội; có biện pháp xóa bỏ tận gốc, triệt để các trang mạng mạo danh cá nhân, tổ chức, các cơ quan của Đảng, Nhà nước…
Các cơ quan báo chí, truyền thông phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng trong việc lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn, nhân ái vì cộng đồng; đồng thời, lên án, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt với các hiện tượng, hành vi cụ thể lợi dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên Internet để thông tin sai sự thật, thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Để làm tốt điều này, cơ quan báo chí cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Báo chí phải có cái nhìn khách quan, thận trọng trước các hiện tượng trên mạng xã hội; tuyệt đối không vì mục tiêu tăng views mà đưa tin theo hướng giật gân, câu khách, a dua, chạy theo và bị mạng xã hội dẫn dắt, quên đi trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Chúng ta lên án và không chấp nhận những cái xấu, hành vi độc hại, trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trái với quy tắc ứng xử, thậm chí vi phạm pháp luật. Tất cả hướng đến một môi trường không gian mạng lành mạnh, kỷ cương, tôn trọng văn hóa và pháp luật. Điều đó cũng phù hợp với các yêu cầu quản lý, tiêu chí phát triển của các mạng xã hội ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

- Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM:

Xử lý hành chính hoặc hình sự

Điều 25 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Với quy định trên, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân đối với các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của công dân (Điều 21 Hiến pháp 2013). Do đó, quyền tự do ngôn luận phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận sẽ được xem là hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

Luật An ninh mạng 2018 đã có quy định nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội… Người nào có hành vi vi phạm quy định về an ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chúng ta cũng có Nghị định 55/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với quy định cụ thể về mức xử phạt. Ngoài ra, hành vi đăng tải các thông tin “rác”, sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối với trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.

- Bà NGUYỄN PHƯƠNG THANH TRÚC, đồng sáng lập và Giám đốc CyberPurify:

Sàng lọc nội dung “rác” bằng giải pháp kỹ thuật

Về kỹ thuật, chúng ta có thể xây dựng phần mềm để nhận dạng ngay những nội dung độc hại, như ứng dụng CyberPurify Kids (miễn phí) giúp phụ huynh thiết lập môi trường an toàn cho con cái mình chỉ sau vài cú click chuột.

Cụ thể, công cụ của CyberPurify chạy dưới dạng extension/add-on để phát hiện và chặn lọc 15 loại nội dung độc hại trên trình duyệt Google Chrome/Safari/Firefox/Microsoft Edge. 15 nội dung này được chia thành 4 nhóm: về khiêu dâm; gây hoảng sợ (tai nạn máu me, xác chết máu me, ma quỷ, hành quyết); về thương mại và vũ khí, chất kích thích, chất gây nghiện, đồ uống có cồn; nội dung chứa từ ngữ thô tục, gây tổn thương (Hate speech). Phụ huynh chỉ cần tải về và tiện ích sẽ tự động phát hiện, chặn nội dung trên bất kỳ trang web nào, kể cả chế độ ẩn danh. Bên cạnh nhận dạng 15 loại nội dung trên, CyberPurify Kids còn ngăn chặn các trang lừa đảo, malware và phát tán virus.

Đây là ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để liên tục lọc và cập nhật dữ liệu xấu độc, kể cả hình ảnh và video, với độ chính xác cao. Với cơ chế tự động cập nhật, ứng dụng cũng tự động phát hiện, lọc các nội dung độc hại chưa có trong dữ liệu rồi liên tục hoàn thiện độ chính xác và tốc độ chặn lọc nội dung, đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng.

Như vậy, về kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể thiết lập các ứng dụng sử dụng AI để nhận dạng nội dung độc hại cụ thể. Đây sẽ là giải pháp quan trọng, giúp các cơ quan chức năng sàng lọc được và sớm phát hiện các thông tin xấu độc để kịp thời xử lý, yêu cầu chấm dứt các sai phạm.

Tin cùng chuyên mục