Siết kỷ cương, lành mạnh hóa môi trường mạng - Chủ động ngăn ngừa tác động xấu

Trước những thông tin độc hại, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn, hội đã chủ động xây dựng các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội.

 

 

Lan tỏa thông tin tích cực

“Cô gái đeo giày cho người lạ” - câu chuyện nhỏ được người đi đường chứng kiến và kể lại trên mạng xã hội. Giữa nắng gắt 12 giờ trưa, một cô gái trẻ cởi đôi giày mới trên chân mình để mang vào chân một người bán hàng rong khuyết tật trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức, TPHCM). Câu chuyện đẹp trên đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội mấy ngày nay với hàng ngàn lượt thích, chia sẻ. “Một câu chuyện đời thường ở xa tận đâu mà cũng đủ làm mình lâng lâng cả ngày. Nhìn người ta làm việc tốt, mình cũng muốn làm và sẽ làm”, Trần Phương Uyên (học sinh Trường THPT Kiến Thụy, TP Hải Phòng) viết trên trang cá nhân.

Nhiều tổ chức cơ sở Đoàn chủ động tổ chức các buổi tập huấn để đoàn viên, thanh niên tiếp nhận thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Ảnh: THU HƯỜNG
Có lẽ, đoàn viên, thanh niên TPHCM nói riêng và cả nước nói chung không lạ lẫm với chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên Fanpage của các tổ chức cơ sở Đoàn. Chuyên mục đăng tải những câu chuyện hay, những thông tin tích cực (tất cả đều là những câu chuyện đời thực, được kể lại một cách bình dị nhất) do Trung ương Đoàn triển khai từ năm 2018, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Hiện chuyên mục đã có mặt ở khắp các Fanpage của các tổ chức cơ sở Đoàn trên cả nước. Tại Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” được duy trì trên 2 Fanpage của khối và 60 cơ sở Đoàn trực thuộc khối. Bí thư Đoàn khối Nguyễn Đăng Khoa cho biết, chuyên mục tập trung khai thác những hành động có ích trong cộng đồng, chuyện tử tế, những tấm gương vượt khó, gợi cho người đọc những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mang lại nguồn năng lượng tích cực trước những thông tin xấu, độc đang bủa vây người trẻ, cộng đồng. Đó còn là những câu chuyện, những hành động đẹp của cán bộ, công chức, viên chức trẻ qua công việc chuyên môn tại đơn vị.
Song song đó, các tổ chức cơ sở Đoàn cũng duy trì câu lạc bộ Lý luận trẻ, phần nào định hướng, lan tỏa thông tin tích cực, giúp người trẻ tự đề kháng với những quan điểm sai trái.

Cần tiếp cận giới trẻ nhiều hơn

Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội hiện đem lại nhiều tiện ích, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của giới trẻ. Khi được hỏi về phương tiện giải trí sau giờ học, em Nguyễn Thị Ngọc Quyên, học sinh lớp 8 (quận 4, TPHCM), cho biết là điện thoại để lướt web, vào Facebook, Zalo, Tiktok... Quyên chỉ vào các Fanpage của trường khi bắt buộc, bởi “trên các trang ấy không có các thông tin thu hút. Nhiều thông tin quá cũ, bài lại dài, không mới mẻ, vui nhộn, thú vị như TikTok, Facebook”.

Bí thư Đoàn Tổng Công ty Điện lực TPHCM Huỳnh Tấn Khương cũng nhận xét, nhiều trang chính thống chưa thu hút được giới trẻ, bởi nhiều về số lượng nhưng nặng về hình thức, nội dung chính luận khá khô khan nên khó thu hút thanh thiếu niên quan tâm. “Tôi nghĩ các trang tuyên truyền cần có thêm sân chơi tương tác, cho phép các bạn được thể hiện quan điểm, tiếng nói một cách tự do, thoải mái. Như vậy mới có thể tiếp nhận được dư luận, suy nghĩ thật sự từ các bạn trẻ, Từ đó có giải pháp định hướng, giúp người trẻ hiểu rõ các thông tin nào là đúng, là sai, tránh các thông tin xấu độc”, anh Khương bày tỏ.

Bạn Phan Thụy Tường Vy, sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nhận xét, các trang thông tin của tổ chức đoàn, hội hiện chưa được khai thác, sử dụng như một công cụ để xử lý và phổ biến thông tin. Trong khi hiện nay, có nhiều trang thông tin đang phát triển khá hay, tiếp cận giới trẻ bởi những content (sự việc, vấn đề) độc đáo, “bắt trend” vui nhưng không lố. “Tôi nghĩ tổ chức đoàn, hội nên có sự điều chỉnh theo hướng tiếp cận giới trẻ nhiều hơn, thay đổi phong cách viết bài, có thể lồng những bài viết về nét đẹp văn hóa mà họ muốn truyền tải vào những clip ngắn, hình ảnh động hài hước, thú vị...”, bạn Tường Vy đề nghị.

“Đơn điệu, chưa hấp dẫn, lan tỏa kém” là những gì chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Bí thư Đoàn phường Thới An (quận 12), cảm nhận về các Fanpage chính thống hiện nay. Theo chị Thùy, cần đầu tư chỉn chu từ việc tăng cường nội dung lẫn hình thức cho trang. Thay vì các trang chỉ đăng những nội dung thông báo các hoạt động, sự kiện của tổ chức thì có thể đăng thêm nhiều nội dung mà người dân, dư luận xã hội quan tâm, các sự kiện nóng từ các nguồn thông tin chính thống. 

Trong các trang lan tỏa thông tin tích cực, đồng thời phản bác thông tin sai trái tại TPHCM có thể kể đến Cờ Đỏ, Hương Sen Việt, Sen Đá, Nam Sài Gòn, Cột Cờ Thủ Ngữ… Các bài viết trên các trang tập trung vào vấn đề xây dựng đạo đức, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Trong đó, qua hệ thống Cột Cờ Thủ Ngữ (bao gồm Fanpage, Zalo, YouTube) với 65 trang tin điện tử và 70 trang cộng đồng trên toàn địa bàn quận 1 đã phát huy hiệu quả trong việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc và lan tỏa thông tin tích cực. Hệ thống trang còn kịp thời định hướng thông tin dư luận gắn với các sự kiện người dân quan tâm, cung cấp thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là nhiều nội dung hướng đến người trẻ trên địa bàn dân cư.

Tin cùng chuyên mục